23/06/2020 7:44:52

Phát triển 5 giá trị cốt lõi của con người trong giáo dục nghề nghiệp

Phát triển nguồn nhân lực trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn này có ý nghĩa cao hơn giai đoạn trước. Không đơn thuần chỉ phát triển lao động, phát triển người làm việc mà đặt vấn đề ở tầm cao hơn đó là phát triển những giá trị cốt lõi của con người làm chủ thể của quá trình phát triển.

PGS.TS Trần Quốc Toản, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên ban soạn thảo văn kiện Đại hội 13

Tham gia góp ý định hướng xây dựng Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, PGS.TS Trần Quốc Toản – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thành viên xây dựng  Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp tới nhấn mạnh.

5 giá trị cốt lõi là gì?

Ông Toản cho biết, ông có cơ duyên gắn bó với lĩnh vực giáo dục đào tạo trong đó có GDNN gần 30 năm, nắm rõ những thăng trầm cũng như thành tựu, hạn chế của GDNN.

Theo ông, điều quan trọng nhất khi bắt tay vào xây dựng Chiến lược GDNN là phải có cách tiếp cận phù hợp. Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021- 2030 sẽ trình ra Đai hội 13 sắp tới tiếp cận rất mới, đặt nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực vào vị trí hết sức quan trọng, vì đây là một trong những giải pháp đột phá chiến lược.

Nhưng phát triển nguồn nhân lực giai đoạn này có ý nghĩa cao hơn giai đoạn trước. Không đơn thuần chỉ phát triển lao động, phát triển người làm việc mà đặt vấn đề ở tầm cao hơn đó là phát triển con người với tư cách là chủ thể của quá trình phát triển, và như vậy, đào tạo nhân lực trong đó có GDNN là đào tạo phát triển những giá trị cốt lõi của con người làm chủ quá trình phát triển trong giai đoạn mới. Điều này rất quan trọng, cần nhận thức rõ, chứ không phải chỉ tập trung đào tạo về kỹ năng, về nghề nghiệp.

Vậy những giá trị cốt lõi đó là gì.? Là giáo dục phẩm chất đạo đức, tư cách công dân, trách nhiệm xã hội , ý thức dân tộc – những giá trị này phải được đặt lên hàng đầu. Tiếp đến trong bối cảnh mới, giá trị cốt lõi nữa là năng lực đổi mới, sáng tạo, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm. 5 giá trị cốt lõi này cần được cụ thể hóa trong Chiến lược Phát triển GDNN.

Phải đặt GDNN trong tổng thể của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và là cấu thành rất quan trọng của Chiến lược Phát triển KT –XH đất nước trong giai đoạn mới bởi theo ông Toản, GDNN gắn với một lực lượng lao động rất lớn hàng  chục triệu người, bao gồm cả lao động nông thôn, tầm bao quát, đối tượng của Chiến lược GDNN rất lớn. Nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển, thị trường đầy biến động, việc  đào tạo lại cho người lao động rất quan trọng.

Do đó theo ông Toản, Chiến lược GDNN giai đoạn 2021 – 2030 phải là một chiến lược rộng, chiến lược thích ứng. Nếu khung cứng như những chiến lược trước để phân bổ nguồn lực, điều tiết chương trình thì chúng ta sẽ luôn bị song hành trong quá trình phát triển mà không thích ứng được.

Đào tạo nguồn nhân lực phải có yếu tố vượt trước

Ông Toản cho biết đây cũng là cách tiếp cận rất mới trong Dự thảo văn kiện Đại hội 13 sắp tới khi bàn về phát triển nguồn nhân lực. Đó là đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải có yếu tố vượt trước để tạo ra một thặng dư nguồn lực con người, nhân tố con người để đảm bảo cho quá trình phát triển rất nhanh, ứng với những thay đổi. Nếu chúng ta chờ có nghề rồi mới đào tạo thì sẽ luôn đi sau không đáp ứng được thị trường lao động.

Nhận thức rõ bối cảnh để xây dựng chiến lược là vấn đề hết sức quan trọng. Ông Toản ví dụ, trong khi Việt Nam đưa lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc thì các nước lại đưa lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc. Đại dịch Covid vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, do giãn cách xã hội, phòng chống dịch nên mấy nghìn lao động kỹ thuật nước ngoài ở các doanh nghiệp FDI không vào được khiến cho sản xuất đình trệ, công nhân không có việc làm.

Vậy cách đào tạo của chúng ta tới đây phải đổi mới thế nào, hay vẫn đào tạo như cũ. Vấn đề này theo ông Toản phải nhìn nhận đánh giá lại để không có sự ‘vênh” thừa – thiếu kỹ năng và lao động kỹ thuật như hiện nay.

Nhận diện rõ những vấn đề mới, biến động mới trong giai đoạn mới để chuẩn bị cho quá trình xây dựng chiến lược. Trong đó cần nhận rõ những đặc điểm của cấu trúc đào tạo của GDNN với đáp ứng các yêu cầu trình độ công nghệ của đất nước ta trong từng giai đoạn. Lao động chuyển đổi sang nông nghiệp trình độ cao đào tạo thế nào? Không thể đào tạo theo kiểu lên lớp ngồi mấy năm, mấy năm rồi mới cấp bằng. Đào tạo các trình độ phải khác nhau.

Bài toán giữa đào tạo nhân lực với trình độ công nghệ phải phân tích sâu, dự báo để đặt ra nhiệm vụ sắp tới. Từ đó mới xác định rõ khung của chiến lược, mục tiêu, nội dung là gì. Không chỉ là phương thức quản lý nhà nước mà phải là xây dựng một thể chế  cho hệ thống GDNN phát triển trong giai đoạn mới.

Như vậy phải xem xét tổng thể vai trò trách nhiệm của Nhà nước là gì, của hệ thống GDNN là gì, vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp, của xã hội, của người học. Từ đây xem xét rõ mối tương quan giữa quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích và trách nhiệm giải trình của các chủ thể tham gia trong hệ thống GDNN này. Cuối cùng là thiết kế cơ chế vận hành của hệ thống GDNN thế nào để đạt các mục tiêu đề ra.

V.Anh