Chỉ mất tầm một thập kỉ để Việt Nam khẳng định vững chắc vị thế của mình như một trung tâm sản xuất game của khu vực. Sự phát triển ấn tượng của ngành công nghiệp game trong nước thời gian qua đã khiến cho các ngành nghề liên quan đến sản xuất game, trong đó có đồ họa game (khâu thiết kế các hình ảnh nhân vật, phương tiện, vũ khí, môi trường trong trò chơi) được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.
Là người đã từng đào tạo và quản lý hàng trăm họa sĩ Việt Nam tham gia vào nhiều dự án giải trí bom tấn, Kristian Pedlow – Giám đốc Mỹ thuật Cấp cao tại studio Sparx*, một thành viên của Tập đoàn Virtuos đã chia sẻ với phóng viên về việc nhìn lại những sự chuyển mình vượt bậc của ngành đồ họa game trong nước trong hơn một thập kỉ qua:
Tính đến nay, anh đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm. Anh nhận xét như thế nào về những thay đổi của ngành đồ họa game trong suốt thời gian đó?
Hồi tôi mới đến TP.HCM, hiểu biết của mọi người về các công việc liên quan đến đồ họa 3D, hay còn gọi là mỹ thuật 3D, vẫn còn hạn chế. Các công ty đồ họa khi đó đa phần chỉ tập trung vào mảng quảng cáo và có rất ít đơn vị thực hiện đồ họa cho game hay phim ảnh. Trong mắt nhiều người lúc bấy giờ thì sản xuất game là một khái niệm còn rất mới mẻ, đồ họa game thậm chí lại còn mới mẻ hơn nữa với rất ít người theo nghề.
Giờ đây, các họa sĩ 3D của Việt Nam đã điền tên mình vào nhiều dự án giải trí bom tấn được mong đợi nhất trên toàn cầu. Có thể kế đến những dự án nổi bật gần đây như game Horizon Forbidden West hay Final Fantasy XVI Dominance, là những dự án game có sức ảnh hưởng toàn cầu được đánh giá rất cao về chất lượng nội dung và hình ảnh. Cả hai đều có sự góp mặt tham gia của đội ngũ tại studio Sparx*.
Mười năm trước, Sparx* chỉ có khoảng trên dưới 100 nhân sự và chúng tôi vừa chạm mốc 600 thành viên cách đây không lâu. Đó quả một là quãng thời gian thú vị với cá nhân tôi khi được tham gia và đóng góp vào một hệ sinh thái đang ngày một phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Bước chuyển mình đó chắc hẳn phải đến từ những thay đổi về chất lượng nguồn nhân lực?
Việt Nam ngày nay đang sở hữu một đội ngũ họa sĩ 3D tài năng với tinh thần nỗ lực và ham học hỏi. Đây là thành quả của nhiều sự đầu tư lâu dài vào khâu hướng nghiệp và đào tạo trong suốt nhiều năm qua, phối hợp giữa cả khối tư nhân và các đơn vị đào tạo nhằm tạo nguồn cung về nhân tài cũng như thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa đội ngũ Việt Nam và quốc tế. Ngày nay, những bạn trẻ yêu thích game và quan tấm đến đồ họa game có nhiều cơ hội tiếp cận với những chương trình đào tạo bài bản hơn so với các thế hệ trước.
Việc tham gia vào các dự án phim và game quốc tế cũng đòi hỏi những người họa sĩ game tại Việt Nam phải chủ động nâng cao kĩ năng và tư duy sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, việc nhiều công ty game lớn của thế giới thành lập studio sản xuất tại Việt Nam cũng thúc đẩy sự chuyển giao kiến thức và công nghệ trong nước. Những phản hồi mà chúng tôi nhận được từ các đối tác của mình cũng cho thấy rằng chất lượng công việc của đội ngũ đồ họa game tại Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất của ngành game thế giới.
Tuy nhiên, dù được quan tâm nhiều hơn trước nhưng phải khẳng định rằng vẫn có một khoảng cách nhất định giữa chất lượng của nguồn nhân lực đầu vào so với yêu cầu thực tế trong sản xuất, khiến cho ngành đồ họa game trong nước khó có thể phát huy được hết tiềm năng của mình.
Theo anh đâu là những giải pháp để rút ngắn khoảng cách này?
Nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo là con đường duy nhất.
Tại Sparx*, chúng tôi kết hợp nhiều mô hình và chương trình đào tạo khác nhau để đảm bảo mỗi thành viên đều được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng cho công việc của mình – từ những khóa học đầu giúp cho những họa sĩ trẻ mới được tốt nghiệp được họa tập trực tiếp từ những họa sĩ giàu kinh nghiệm và các giám đốc mỹ thuật, cho đến những lớp học thường xuyên để cập nhật cho đội ngũ về những công nghệ và kĩ thuật mới nhất.
Chúng tôi còn phối hợp với các đối tác là những công ty phát triển game lớn nhất thế giới ở những thị trường hàng đầu để tổ chức các chương trình tu nghiệp ở nước ngoài cho đội ngũ dự án. Bên cạnh đó là nhiều sự kiện và chương trình trao đổi kiến thức với các studio khác thuộc Tập đoàn Virtuos trên toàn cầu được chúng tôi tổ chức thường xuyên với mục tiêu duy nhất là duy trì nguồn cảm hứng về học tập và phát triển cho nhân sự của mình. Chỉ trong năm 2023, hơn 200 thành viên của Sparx* đã tham gia vào các buổi đào tạo chéo nội bộ trong và ngoài nước.
Vậy theo anh, ngành đồ họa game tại Việt Nam trong 10 năm tới sẽ như thế nào?
Chỉ mất tầm một thập kỉ để Việt Nam khẳng định vững chắc vị thế của mình như một trung tâm sản xuất game của khu vực. Chúng ta không có lý do gì để hoài nghi về xu hướng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần của ngành. “Vô cùng hứa hẹn” là điều mà tôi có thể nói vào lúc này.
Minh Hải