18/12/2023 3:31:47

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam:

Nhiều chương trình, dự án và hỗ trợ thiết thực đối với trẻ em khó khăn

Tại Hà Nội, Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam năm 2023 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ, và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp.

Trung bình mỗi tháng ủng hộ Quỹ đạt 200 triệu đồng

Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Hội đồng Bảo trợ năm 2023, ông Đinh Tiến Hải – Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, Dưới sự chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của lãnh đạo HĐBT và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ BTTEVN đã triển khai đồng bộ các nội dung tuyên truyền và vận động nguồn lực, phát huy thế mạnh là một tổ chức Quỹ của Nhà nước có sự bảo trợ của HĐBT, cụ thể:

Năm 2023, công tác vận động nguồn lực của Quỹ BTTEVN có nhiều đổi mới. Bên cạnh các phương thức vận động truyền thống (gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp các tổ chức, doanh nghiệp, gửi đề xuất dự án để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các hoạt động an sinh xã hội hoặc tổ chức các sự kiện hỗ trợ trẻ em, sự kiện gây quỹ có sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng bảo trợ và mời nhà tài trợ cùng tham gia hỗ trợ), nhằm tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa công tác vận động nguồn lực, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghệ 4.0, Quỹ BTTEVN đã ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận cộng đồng xã hội, giúp cho công tác vận động nguồn lực được hiệu quả, phù hợp với thực tiễn xã hội.

Cụ thể: Quỹ BTTEVN đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) gửi tin nhắn đến người dân để kêu gọi sự ủng hộ đối với trẻ em khó khăn (Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn kêu gọi sẽ có thể chuyển tiền ủng hộ qua số tài khoản của Quỹ); Quỹ phối hợp với Ngân hàng Quân đội (MB Bank) để hợp tác mở tài khoản và đưa dự án gây quỹ lên phần mềm ứng dụng Thiện nguyện với hàng ngàn thành viên, phối hợp với Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC (Bộ Thông tin và Truyền thông) lập tài khoản và xây dựng website riêng về các chương trình/dự án kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng; Quỹ xây dựng các video ngắn với các chủ đề khác nhau về trẻ em cần giúp đỡ để đăng tải và kêu gọi hỗ trợ trên các kênh mạng xã hội như facebook. Qua đó cộng đồng xã hội biết đến Quỹ và các chương trình hỗ trợ trẻ em của Quỹ ngày càng nhiều hơn. Nguồn tiền tài trợ cho Quỹ từ các cá nhân trong xã hội tăng lên đáng kể, trung bình 200 triệu đồng/tháng.

Quỹ BTTEVN trao quà cho trẻ em khuyết tật.

Năm 2023 Quỹ BTTEVN hỗ trợ cho 125.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Với nhiều nỗ lực, kết quả năm 2023, Quỹ BTTEVN đã tiếp nhận cam kết hỗ trợ hơn 107 tỷ đồng của 49 tổ chức trong nước và quốc tế. Trong năm Quỹ BTTEVN đã ký kết 41 Thỏa thuận tài trợ và phụ lục Thỏa thuận tài trợ với số tiền gần 64 tỷ đồng, khai thác được 20 đơn vị mới.

Kết quả nguồn thu đến 05/12/2023 là 77.628.913.557 đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp là 5.311.000.000 đồng; kinh phí thu từ vận động trực tiếp (tiền mặt) là 42.647.021.765 đồng, kinh phí ghi nhận gián tiếp gồm hàng hóa, dịch vụ qua Quỹ là 29.670.891.792 đồng). Dự kiến nguồn thu của Quỹ trong tháng 12/2023 là: 34.029.000.000 đồng

Như vậy, tính theo chỉ tiêu HĐBT trợ giao, Năm 2023 Quỹ BTTEVN sẽ vận động được 111.557.913.557 đồng, đạt và vượt kế hoạch,

Tính đến 05/12/2023, Quỹ BTTEVN đã hỗ trợ 113.833 lượt trẻ em (đạt 103,5% so với kế hoạch năm); Kinh phí hỗ trợ hơn 89,667 tỷ đồng. Trong đó có một số hoạt động có tổng mức kinh phí hỗ trợ cao như: Phẫu thuật nụ cười (gần 26 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng hơn 15 tỷ đồng; hỗ trợ xe đạp (gần 11 tỷ đồng); hỗ trợ học bổng (hơn 6,6 tỷ đồng); hỗ trợ sữa (hơn 10 tỷ đồng); hỗ trợ khác và hỗ trợ theo yêu cầu nhà tài trợ (hơn 10 tỷ đồng).

Dự kiến đến 31/12/2023, Quỹ BTTEVN sẽ thực hiện hỗ trợ cho 125.500 lượt trẻ em (đạt 114,1% so với kế hoạch năm); Kinh phí hỗ trợ hơn 99 tỷ đồng. Trong đó các hoạt động hỗ trợ trọng tâm về kinh phí là: Phẫu thuật nụ cười (gần 30 tỷ đồng); hỗ trợ xây dựng hơn 18 tỷ đồng; hỗ trợ xe đạp (hơn 11 tỷ đồng); hỗ trợ học bổng (hơn 7,4 tỷ đồng); hỗ trợ sữa (hơn 10 tỷ đồng); hỗ trợ khác và hỗ trợ theo yêu cầu nhà tài trợ (gần 11 tỷ đồng).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện nhiều Chương trình, Dự án thiết thực hỗ trợ trẻ em

– Dự án “Hỗ trợ học tập và tăng khẩu phần ăn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”: Đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ mỳ phở cho gần 1.000 trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và các trường mầm non, tiểu học tại các vùng khó khăn; Tổ chức thành công 10 chương trình trao tặng học bổng và 01 sự kiện gặp mặt 48 trẻ em của 08 tỉnh gồm Hòa Bình, Bắc Kạn, Đăk Lăk, Quảng Trị, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Đây là trẻ em tiêu biểu hàng năm được chọn lựa từ dự án để tham dự chương trình “Chuyến đi hạnh phúc” tại Nhà máy Acecook Tp. Hồ Chí Minh. Tổng kinh phí thực hiện dự án 3 tỷ đồng/năm và tiếp tục được nhà tài trợ Công ty CP Acecook Việt Nam hỗ trợ thực hiện năm 2024.

– Dự án “Đàn gà khăn quàng đỏ”: Dự án được Công ty Cổ phần CP Việt Nam hỗ trợ cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo sống tại các vùng khó khăn của tỉnh Hoà Bình và Nghệ An thực hiện kế hoạch nhỏ chăn nuôi gà, lấy trứng và thịt. Dự án hỗ trợ cho 200 trẻ em, mỗi trẻ em nhận 100 gà giống và được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, thức ăn. Kinh phí dự án 500 triệu đồng/năm sẽ giúp trẻ em nghèo có thêm công việc phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn và mua sắm thêm vật dụng học tập.

– Khảo sát, thu thập thông tin để thiết kế dự án vận động tài trợ mới như: Dự án “Vững tâm bám biển” hỗ trợ kinh phí cho trẻ em là con ngư dân vùng ven biển. Kinh phí vận động 3 tỷ đồng/năm; Dự án “Cháu muốn sống” hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh và hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh kinh tế giá đình khó khăn nhưng mắc bênh hiểm nghèo. Kinh phí vận động 6 tỷ/năm; Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ cho trẻ em tại Việt Nam” hỗ trợ kinh phí truyền thông nâng cao sự hiểu biết, phòng ngừa kỳ thị đối với trẻ em tự kỷ, nâng cao năng lực can thiệp cho giáo viên và hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Kinh phí thực hiện 2 tỷ đồng/năm; Dự án xây dựng cơ bản, cải tạo, nâng cấp các công trình lớp học, nhà nội trú, bán trú  cho học sinh vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Kinh phí thực hiện 8 tỷ đồng/năm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong xã hội đã tập trung chăm lo cho trẻ em.

Việt Nam là một trong những điểm sáng của khu vực về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có công tác chăm lo trẻ em, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.So với các tổ chức, hội, quỹ khác, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có căn cứ pháp lý quan trọng, là quỹ duy nhất của Nhà nước thành lập từ năm 1992 theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em 2016), được quốc tế công nhận. Hoạt động của Quỹ nhận được sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương, nhất là các nhà hảo tâm.

Trong năm 2023, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nỗ lực thay đổi nội dung và hình thức hoạt động, bước đầu có nhiều đổi mới để thực hiện nhiệm vụ và đạt kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn các thành viên Hội đồng Bảo trợ, các nhà hảo tâm đã dành thời gian, công sức, tiền của và tinh thần hỗ trợ Quỹ để có được kết quả tích cực trong năm vừa qua, đây là động lực rất lớn để Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam có cơ sở, căn cứ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong năm mới.

Nguyễn Lan