18/12/2023 10:12:25

Phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 – 2030.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Q.Đức)

Phấn đấu 100% trẻ em mô côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, được nhận làm con nuôi

Mục tiêu tổng quát của Chương trình: Trẻ em được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em. Phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

Phấn đấu 100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

Đối tượng của chương trình:  – Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi. – Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian thực hiện: từ năm 2023 đến năm 2030. Phạm vi thực hiện: trên toàn quốc.

 

Lớp học cho trẻ tự kỷ tại Trung tân phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì Hà Nội (Ảnh: Q.Đức)

8 nhiệm vụ giải pháp của Chương trình

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp gồm:

1- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình. Rà soát, hoàn thiện các chính sách, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, làng trẻ em SOS.

2- Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

3- Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng về hỗ trợ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

4- Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục: Tăng cường các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng ngừa và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em; củng cố công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phát triển dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng…

 

Lớp học dành cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Thụy An , Ba Vì Hà Nội (Ảnh: M. Dũng)

5- Phát triển dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi: Trẻ em mồ côi được chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu để phát triển toàn diện. Ưu tiên chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi tại gia đình bởi người thân thích, người không thân thích, nhận con nuôi; phát triển mạng lưới dịch vụ tìm gia đình chăm sóc thay thế, tư vấn, hỗ trợ các gia đình về chăm sóc thay thế; tăng cường chuyển trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tập trung về các cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế, nhận con nuôi.

6- Tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi phù hợp với từng đối tượng.

7- Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình. Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, trẻ em mồ côi.

8- Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động mọi nguồn lực xã hội, kinh nghiệm, sáng kiến để chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi.

Kinh phí thực hiện Chương trình

Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Tài trợ, viện trợ quốc tế và vận động xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Chương trình này, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ động lập dự toán chi hằng năm, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: a) Tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước; b) Rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và chăm sóc trẻ em mồ côi. c) Truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi. Hướng dẫn thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa theo chức năng nhiệm vụ được giao. d) Phát triển dịch vụ tư vấn, tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng; phát triển mạng lưới dịch vụ và kết nối chuyển tuyến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; triển khai chương trình tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần. đ) Kiểm tra, theo dõi, thu thập số liệu, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Tổ chức sơ kết, tổng kết và xây dựng Chương trình giai đoạn tiếp theo.

Hiền Lan