Với số lượng trung bình lên tới 104 đơn hàng mỗi năm/người, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mua hàng trực tuyến xuyên biên giới, theo báo cáo vừa công bố của Ninja Van Group.
Ngày 12/7, Ninja Van Group – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) vừa công bố báo cáo “Nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới” với một số thông tin đáng chú ý về thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo này, Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về mua sắm hàng trực tuyến xuyên biên giới với số lượng trung bình lên đến 104 đơn hàng mỗi năm/người.
Về quy mô, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỉ lệ 16% và ngang bằng với Philippines.
Trong 2 năm vừa qua, số lượng người mua sắm trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể cùng với đại dịch COVID-19. Giãn cách xã hội phần nào đã thúc đẩy thói quen mua sắm mới cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là 70% người tham gia cho biết đã bắt đầu mua sắm trực tuyến trước cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đồng thời, số lượng người mua sắm online trong khu vực dự kiến sẽ tăng đến con số 380 triệu người vào năm 2026.Khảo sát cho thấy, có tới 73% người Việt tham gia thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm online.
Đáng chú ý, có đến 59% cho biết họ đã từng nhiều lần đặt hàng hay mua sắm trên các website quốc tế. Trong đó, các sản phẩm được người Việt mua nhiều nhất thuộc các ngành hàng gồm hàng tiêu dùng nhanh, thời trang và giày dép.
Ở một báo cáo liên quan, dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Statista ước tính, lượng người Việt mua hàng trực tuyến sẽ lên đến hơn 51 triệu trong năm 2022, tăng 13,5% so với năm liền kề.
Theo khảo sát từ Statista, tới năm 2025, Việt Nam được dự đoán sẽ sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trong đó, quy mô mua hàng trung bình (ABS) của Việt Nam là 26 USD, cao hơn hai quốc gia trong cùng khu vực là Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD). Điều này cũng tương đồng với kết quả trong báo cáo Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (EBI 2022) được Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) công bố gần đây, với nhận định thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 đang có sự phát triển vượt bậc, dần trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại Đông Nam Á. |
Tuấn Việt