Người lao động trong nước có thể tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí để chuẩn bị kỹ năng cho Cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Ngày 20/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đồng thời đưa ra nhận xét về khả năng đáp ứng của người lao động Việt Nam trong tình hình mới.
Người lao động Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0
Các chuyên gia tại sự kiện đều đồng ý với quan điểm, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra yêu cầu mới về kỹ năng cho người lao động. Những cú sốc về kinh tế và xã hội đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho rằng: “Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, việc nâng cao kỹ năng mới cho người lao động, phát triển các kỹ năng số là yếu tố cần thiết”.
Tuy nhiên, các chuyên gia GDNN cũng thẳng thắn nhìn nhận, người lao động Việt Nam hiện nay chưa sẵn sàng các kỹ năng số trong yêu cầu mới.
Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy năng suất lao động Việt Nam thấp hơn các nước đang phát triển.
Theo bà Maria Nenette A. Motus, giám đốc vùng châu Á – Thái Bình Dương của IOM: “Ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, lao động di cư hiện nay chiếm khoảng 70%. Nhưng một bộ phận có kux năng thấp. Trong khi nhiều việc làm ở Việt Nam có nguy cơ chuyển sang tự động hóa, dẫn tới việc những lao động có kỹ năng thấp mất việc vì chậm thay đổi, thiếu kiến thức”.
Chuyển đổi số cho lực lượng lao động bằng khóa học miễn phí
Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và Xã hội) và IOM đã tổ chức dự án “Hỗ trợ chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp”.
Theo đó dự án sẽ được thực hiện trong hai năm, tập trung vào 2 hoạt động chính, gồm: (1) Hoàn thiện và sử dụng nền tảng học tập trực tuyến để triển khai đào tạo kỹ năng số cho học sinh, sinh viên và lao động di cư trên địa bàn các tỉnh tham gia dự án; (2) Xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong GDNN. Các hoạt động của dự án sẽ được thực hiện tại các tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai.
Bên cạnh đó dự án cũng cung cấp các kháo học kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, kỹ năng khởi nghiệp, kết nối việc làm. Các khóa học sẽ được cung cấp thông qua website: congdanso.edu.vn.
Đối tượng hướng đến của dự án là người Việt trong độ tuổi từ 18 đến 35. Các khóa học trong chương trình do Chính phủ Vương quốc Anh, Quỹ Châu Á phối hợp với Google.org và do Tập đoàn Microsoft hỗ trợ chi phí vận hành trên điện toán đám mây Azure.
Theo ông Trương Anh Dũng: “Đây là một dự án có quy mô nhỏ nhưng sẽ là tiền đề cho công cuộc tăng cường chuyển đổi số và nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động Việt Nam trong thời gian tới”.
Tùng Linh