Trong danh sách nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 số tiền 3,7 triệu đồng xuất hiện nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và có kinh tế khá giả như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh…
Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội vừa ban hành quyết định bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc sở để thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ.
99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc sở, gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long được hỗ trợ mỗi người 3.710.000 đồng.
Đáng chú ý, danh sách nhận trợ cấp lần này có nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trên truyền hình, trong đó có cả những doanh nhân giàu có, như: Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội), và một số gương mặt quen thuộc khác.
Là giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội – nơi các “nghệ sĩ giàu” nhận hỗ trợ khó khăn do COVID-19 nói trên, NSND Trung Hiếu thừa nhận danh sách nhận trợ cấp lần này gồm nhiều người chưa đến nỗi khó khăn quá.
Trong khi đó, nhiều người làm công tác hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang… có đời sống khó khăn hơn thì lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ.
Trung Hiếu cho biết đã có đơn đề xuất với Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội xem xét lại việc hỗ trợ cho đúng đối tượng hơn, và sở cũng cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến và đề xuất điều chỉnh.
Về vấn đề này, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã tiếp nhận những ý kiến trái chiều liên quan đến chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn vì dịch Covid-19.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn do Covid-19 là chính sách nhân văn và ý nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xét duyệt hồ sơ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có phần cứng nhắc, chưa phổ biến đầy đủ đến các nhà hát trực thuộc.
“Các nghệ sĩ không phải là đối tượng đầu tiên được hưởng trợ cấp khi gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Sau hai năm, những thành phần khác đã được hưởng thì mới đến lượt nghệ sĩ. Chính sách khi được ban hành đều mang tính phổ quát, rộng rãi. Tuy nhiên, chính sách nào ra cũng sẽ có người được nhận nhiều hơn, người ít hơn. Nếu đáp ứng được phần lớn thì chính sách có hiệu quả”, ông Đông cho biết.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ là đúng, hợp lý. Trường hợp của diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương chỉ là cá biệt. Các nghệ sĩ còn lại trong danh sách đủ tiêu chuẩn để nhận khoản tiền 3,71 triệu đồng hỗ trợ do gặp khó khăn vì dịch.
“Trường hợp Hồng Đăng, Thanh Hương được trợ cấp nghệ sĩ gặp khó khăn là cá biệt. Khi thấy hồ sơ đủ là Sở cấp mà không kiểm tra kỹ càng”, ông nói.
Một lãnh đạo nhà hát thuộc Sở Văn hóa – thể thao Hà Nội cũng cùng nhận định rằng chính sách hỗ trợ nghệ sĩ hiện nay quy định cứng, thực tế cho thấy có những nghệ sĩ viên chức hạng IV đúng là bậc lương thấp nhất nhưng những người sắp nghỉ hưu thì lương của họ không thấp và qua nhiều năm tích lũy họ có đời sống ổn định.
Trong khi đó có những nghệ sĩ tuy hưởng lương viên chức hạng III nhưng mới ra trường nên lương rất thấp, nhiều người từ tỉnh lẻ đến, phải thuê nhà, kinh tế thật sự khó khăn. Nhân viên hậu đài mới là những người có thu nhập thấp nhất ở nhà hát và ít có cơ hội thu nhập ngoài lương.
PV (t/h)