27/12/2021 2:38:16

Mỹ và một loạt quốc gia châu Âu sẽ đón giao thừa 2022 trong không khí ảm đạm

Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết lễ đón năm mới 2022 ở Quảng trường Thời đại sẽ bị thu hẹp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Omicron chiếm hơn 73% các ca mắc mới trong tuần qua và chính thức trở thành biến thể chủ đạo. Tại một số khu vực ở các bang miền Đông của Mỹ, có tới 90% trong tổng số ca mắc mới nhiễm biến thể Omicron.

Vào các năm trước đại dịch, có khoảng 58.000 người tập trung tại Quảng trường Thời đại để theo dõi nghi thức thả quả cầu pha lê khổng lồ đánh dấu năm mới sắp đến. Năm nay đêm giao thừa dương lịch sẽ chỉ còn 15.000 người tham dự, do giới hạn của chính quyền thành phố.

Quảng trường Thời đại ở New York sẽ đón lượng khách chỉ bằng 1/4 giao thừa các năm trước

Thị trưởng New York cho hay các biện pháp bổ sung sẽ giữ cho đám đông người đã tiêm chủng đầy đủ an toàn và khỏe mạnh khi chúng ta bắt đầu vào năm mới. Tuy nhiên tất cả những người tham dự lễ đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Không chỉ New York mà nhiều thành phố khác của nước Mỹ cũng phải hủy bỏ các sự kiện vào đêm giao thừa trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan chóng mặt. Giới chức Los Angeles cho biết, họ vẫn tổ chức bữa tiệc đêm giao thừa ở Công viên chính của thành phố, nhưng sẽ hạn chế ở mức thấp nhất số lượng người tham dự.

Tại châu Âu, chính phủ nhiều nước cũng cho biết sẽ hạn chế tối đa số người tập trung đón năm mới trong đêm giao thừa, vì cùng lúc cả biến thể Delta lẫn Omicron tấn công, số ca lây nhiễm tăng lên nhanh chóng ngay từ đầu tháng 12 năm 2021 và cũng chưa có dấu hiệu chững lại.

Tại Đức, Hội đồng Liên bang đã thông qua đề xuất của chính phủ cấm đốt pháo hoa trong thời khắc đón giao thừa. Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết các sự kiện công cộng quy mô lớn và bắn pháo hoa cũng sẽ bị cấm. Ông Castex khuyến cáo người dân tự xét nghiệm trước khi tham gia vào các buổi tiệc cuối năm.

Cho đến nay, gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có gần 40 quốc gia châu Âu và 22 quốc gia châu Phi.

Trong tuần qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 5,13 triệu ca mắc mới COVID-19 (tăng 13%), riêng châu Âu là gần 2,8 triệu ca.

Tốc độ lây lan của biến thể Omicron khiến số ca mắc mới theo ngày ở nhiều nước châu Âu tăng đột biến. Riêng “điểm nóng” Anh ngày 24/12 đã ghi nhận hơn 122.000 ca mắc mới.

Cảnh báo tại sân bay của Hà Lan

Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu Hans Kluge đã cảnh báo một “cơn bão” dịch bệnh sắp ập đến trong vài tuần tới, các quốc gia khu vực cần chuẩn bị cho “sự gia tăng đáng kể và mạnh mẽ” các ca mắc mới với biến thể Omicron chiếm đa số, đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến “cực hạn.”

Trước tình thế cấp bách trên cũng như trong bối cảnh người dân có tâm lý tận hưởng không khí Giáng sinh và đón Năm mới, hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Với quyết định giãn cách xã hội đến ngày 14/1/2022, Hà Lan trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp nghiêm ngặt như vậy. Kế đến, Bỉ, Hy Lạp, Đan Mạch, Đức và mới đây nhất là Italy cũng ban bố hàng loạt quyết định siết chặt các hạn chế.

Hoàng Giang