Bộ phận lớn các bạn trẻ hiện nay chưa thực sự có cái nhìn đúng đắn nhất về học nghề, ngộ nhận rằng, học nghề chỉ là một cách để “nhanh kiếm ra tiền”, đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất để đảm bảo cuộc sống chứ khó có thể thăng tiến.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân thông tin: Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng thông tư về chương trình khung đảm bảo kết hợp hài hòa giữa học văn hóa và học nghề.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư liên quan tới dạy văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự kiến tháng 11/2020 Thông tư hướng dẫn dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiêp sẽ được ban hành. Thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể các môn học dạy như thế nào, cấp giấy chứng nhận ra sao…
Cần có cách nhìn nhận khách quan hơn về học nghề
Năm nay, TPHCM có khoảng 35.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 sẽ chọn con đường khác ngoài hệ thống trường THPT công lập. Thời điểm này, sau khi có kết quả thi, nhiều học sinh quan đã tâm đến việc đào tạo nghề.
Chị Đinh Ngọc Nhung (ở Thủ Đức, TPHCM) cho biết, kỳ thi vào lớp 10 năm nay, con chị thi trượt 2 nguyện vọng vào lớp 10 hệ công lập, đỗ nguyện 3 nhưng trường ở quá xa nhà.
Sau khi cân nhắc, cháu muốn theo học nghề quản lý nhà hàng, gia đình không phản đối nhưng ngạc nhiên khi biết lý do con chọn học nghề chỉ để: Khỏi phải nặng đầu học văn hóa và sớm kiếm được tiền.
Với cách nghĩ của con, vợ chồng chị không thể yên tâm với việc chọn học nghề. Chị vẫn mong muốn con vừa học nghề, vừa có thể học cao lên.
Cũng như chị Nhung, khi con theo học nghề, nhiều phụ huynh băn khoăn học nghề có phải là theo một hướng đi khác, không đi cùng với việc học văn hóa để học cao lên.
“Khi em chọn đi học nghề, bố em nói rằng: Sau này con có bạn gái, con có tự tin khi mình chưa tốt nghiệp THPT không? Trong khi bạn bè mình có thể học đại học, trên đại học”, điều này làm cho cậu học trò Nguyễn Như Anh, 15 tuổi, ở Q.12, TPHCM lung lay trước lựa chọn học nghề của mình.
Nhiều học sinh sau THCS theo học nghề vì các lý do như điều kiện kinh tế, muốn đi làm sớm, học nghề phù hợp với lĩnh vực các em theo đuổi.
Nhưng các em cũng rất lo lắng, liệu theo học nghề sớm, sau này có nhiều cơ hội để tiếp lên trình độ cao nữa hay không?
Hiểu đúng để có những bước tiến xa hơn
Đánh giá về câu chuyện trên, nhiều chuyên gia cho rằng đang có một sự ngộ nhận: Đó là việc học nghề “tách rời” với việc học văn hóa. Điều này xuất phát từ việc lâu nay tồn tại suy nghĩ, học sinh không đủ khả năng theo học văn hóa mới đi học nghề.
Chưa kể, có những nơi tư vấn học nghề cho học trò nhưng tư vấn chưa đầy đủ.
Nhiều nơi còn nhấn mạnh học nghề là để nhanh đi làm, kiếm tiền nhanh mà chưa chú ý tư vấn đến lộ trình để học sinh học cao lên, phát triển nghề nghiệp là chưa toàn diện về học nghề.
Bày tỏ quan điểm, ông Trần Anh Tuấn – Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM – nhấn mạnh, nếu chỉ nhìn đơn giản đi học nghề 1,5 – 2 năm là ra trường đi làm là chưa đủ, chưa toàn diện về học con đường học nghề.
Hiểu học nghề là không học văn hóa là cách hiểu chưa đúng. Theo ông Tuấn, theo học trung cấp, học sinh có thể song song học văn hóa để hoàn thiện chương trình phổ thông, rồi từng bước nâng cao trình độ nghề nghiệp của mình.
“Hệ thống thị trường lao động vận hành với rất nhiều cấp bậc như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học. Và bậc nào cũng phải bắt đầu bằng nền móng văn hóa.
Song hành của nghề nghiệp chính là văn hóa, cấp bậc nào cũng phải gắn liền với việc học văn hóa, chỉ là mỗi bậc, co giãn theo mức độ, hình thức nào để phù hợp với năng lực, điều kiện, nhu cầu của mỗi người”, ông Tuấn bảy tỏ.
Theo Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa. Đánh giá về điều này, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng: Nếu nơi nào ban hành văn bản hạn chế cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa thì đó là trái luật.
Thúy Anh (T/h)