29/08/2022 9:49:30

Một số vấn đề liên quan đến nâng tầm kỹ năng cho người lao động

Vấn đề kỹ năng cho người lao động không phải là mới, tuy nhiên vào lúc này tầm quan trọng của kỹ năng lại càng được nhấn mạnh trong bối cảnh bất ổn, bất định, không lường trước của thị trường việc làm và nghề nghiệp. Ngày 01/10/2020  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ngày 04 tháng 10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”,  đồng thời Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động  Việt Nam”. Bài viết sau đây chia sẻ suy nghĩ về một số vấn đề liên quan đến Nâng tầm kỹ năng cho người lao động.

Học tập suốt đời giúp duy trì, cải thiện liên tục các kỹ năng và năng lực của người lao động khi các yêu cầu về công việc, công nghệ và kỹ năng thay đổi.
  1. Nâng tầm kỹ năng

Nâng tầm kỹ năng là vấn đề trừu tượng và đa chiều, có ý kiến bàn luận theo các góc nhìn khác nhau, nhưng nhìn chung có thể hiểu nội hàm là kỹ năng nghề của lao động thích ứng với yêu cầu cao và đa dạng của việc làm trong bối cảnh luôn thay đổi. Thể hiện ở một số khía cạnh sau:

1.1. Nâng tầm kỹ năng trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng: Trong giáo dục-đào tạo chất lựơng là yếu tố bất biến và số lương là yếu tố tùy biến. Nâng tầm kỹ năng cho người lao động cũng vậy, về số lượng phù hơp với nhu cầu số chỗ việc làm, về chất lượng là quan trọng và quyết định.  Một bộ phận quan trọng là lao động chất lượng cao và trình độ cao, trình độ kỹ năng cao hiện diện ở tất cả các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục.

1.2. Nâng tầm kỹ năng về chất lượng là yếu tố quyết định:

– Kỹ năng của người lao động được đào tạo có chất lượng (đạt tới sự thành thạo) đáp ứng yêu cầu đầu vào của thị trường lao động;

– Kỹ năng của người lao động thích ứng linh hoạt với nhu cầu việc làm trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ và các yếu tố không dự báo trước được của thị trường việc làm trong tương lai;

–  Kỹ năng của người lao động Việt Nam từng bước phát triển theo tinh thần “bắt  kịp, tiến cùng và vượt lên ở  một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

1.3. Mục tiêu nâng tầm kỹ năng:

  • Góp phần cung cấp dịch vụ đào tạo phù hợp với nhu cầu kỹ năng của việc làm hiện tại;
  • Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp điều chỉnh kỹ năng theo định hướng thị trường;
  • Duy trì sự sẵn sàng về kỹ năng của người lao động cho nhu cầu đa dạng không lường trước được của thị trường việc làm trong tương lai;

Việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động sẽ góp phần gia tăng hiệu quả, tăng năng xuất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội. Lester Thurow đã viết: “Vũ khí cạnh tranh quyết định ở Thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

2. Một số vấn đề liên quan đến nâng tầm kỹ năng cho người lao động

2.1. Kỹ năng là cầu nối giữa đào tạo và việc làm

Thế giới hoc tập và thế giới việc làm thường có sự tách biệt (The world of learning and the world of work are separate). Giáo dục-đào tạo có chức năng chuyển tải kiến thức, kỹ năng, thái độ trong học tập; còn việc làm diễn ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Thực tế luôn có cách biệt giữa đào tạo và việc làm, và trong một số trường hợp sự cách biệt có thể là rất lớn. Nhưng hai bên luôn phụ thuộc vào nhau, không thể tồn tại và phát triển bên này mà không có sự tồn tại và phát triển của bên kia.

Hiện nay thế giới việc làm đang có những thay đổi chưa từng có tiền lệ, toàn cầu hóa thị trường đang đẩy nhanh tốc độ đổi mới và phổ biến của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Một số ngành/nghề cũ hoặc kỹ năng đang sử dụng sẽ mất đi, nhiều ngành/nghề mới, kỹ năng mới xuất hiện. Điều đó đặt các hệ thống đào tạo phải đối mặt với thử thách về sự không tương xứng giữa kỹ năng của nguồn nhân lực được đào tạo với yêu cầu việc làm. Chính kỹ năng là những cây cầu kết nối thế giới học tập và thế giới việc làm, đồng thời kỹ năng sẽ góp phần khắc chế sự khập khiễng và cách biệt vốn có giữa đào tạo và sử dụng, giữa đào tạo và việc làm. (xem Hình 1)

Vai trò cầu nối của kỹ năng.

Thiết lập cầu nối vững chắc giữa giáo dục đào tạo và phát triển kỹ năng theo những tín hiệu đáng tin cậy của thị trường việc làm sẽ giúp người lao động lựa chọn học “đúng và trúng” các kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của các vị trí việc làm, của doanh nghiệp, của thị trường lao động trong các ngành/nghề, lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Sự thịnh vượng của mỗi quốc gia phụ thuộc vào tỷ lệ có bao nhiêu người có việc làm và năng suất lao động của họ ở mức độ nào trong lực lượng lao động. Chính những điều này lại phụ thuộc vào các kỹ năng và hiệu quả của việc sử dụng những kỹ năng của người lao động. Theo khía cạnh đó, kỹ năng là nền tảng của việc làm bền vững.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay người ta coi kỹ năng là giá trị cốt lõi của viêc làm thỏa đáng (dưới lăng kính việc làm) và hoàn thiện bản thân (dưới lăng kính giáo dục). Trong nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu mới đây xuất hiện các cụm từ “Nền kinh tế dựa trên kỹ năng” (Skills-Based Economy) và “Kỹ năng là tương lai của việc làm” (Skills- The Future of work).

2.2. Chuyển cách tiếp cận học kỹ năng “một lần cho tất cả” sang phát triển kỹ năng “liên tục và suốt đời”

Những yếu tố chuyển đổi là thách thức lớn, vì vậy giáo dục đào tạo cần phải linh hoạt, tạo ra cách tiếp cận mới của việc học tập suốt đời. Nghĩa là chuyển cách tiếp cận phát triển kỹ năng từ  “một lần cho tất cả” sang cách tiếp cận “liên tục và suốt đời” – để hỗ trợ người lao động có thể được tuyển dụng,  có việc làm thỏa đáng, bền vững và có thu nhập tốt hơn trong một thế giới việc làm không biên giới và đa văn hóa đang thay đổi nhanh chóng. Cách tiếp cận này đồng nghĩa với sự thay đổi về nhận thức và về văn hóa.

Học tâp suốt đời không phải chỉ là đạt được chứng chỉ, bằng cấp cao hơn mà chủ yếu ở việc phát triển kiến thức, kỹ năng cao hơn, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường việc làm. Theo đó là cách tiếp cận về đánh giá thay đổi từ “điểm số, bằng cấp” sang cách đánh giá công nhận và trả lương/công theo “kỹ năng và năng lực”. Sự hài lòng của thị trường việc làm là thước đo trình độ kỹ năng (tầm kỹ năng) của người lao động ở từng vị trí việc làm cụ thể.

Để tiếp cận tư duy này cần thiết kế Khung kỹ năng bao gồm: Các Kỹ năng nền tảng- Kỹ năng chuyên môn (Kỹ năng cốt lõi và Kỹ năng chuyên sâu). (xem Hình 2)

Tương quan giữa kỹ năng nền tảng và kỹ năng chuyên môn theo các bậc học trong hệ thống giáo dục-đào tạo (theo hướng liên thông)

– Kỹ năng nền tảng: Kỹ năng nền tảng (bao gồm các kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng học hỏi, nhận thức về quyền của người lao động, hiểu biết của các nhà quản ….). Các kỹ năng nền tảng không hướng tới và không dành cho một ngành/nghề cụ thể, mà là để hình thành một khung vững chắc cho việc học tập suốt đời và khả năng thích ứng để thay đổi. Vai trò của kỹ năng nền tảng được xác định là:  “nền móng của bất kỳ chiến lược kỹ năng nào cũng phải là kỹ năng nền tảng vững chắc”;

– Đào tạo các kỹ năng cốt lõi để người lao động có thể áp dụng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của họ vào các ngành/nghề mới hoặc kỹ năng mới. Phát triển các kỹ năng chuyên môn sâu để người lao động có cơ hội tìm kiến/tự tạo sinh kế với các việc làm thỏa đáng, bền vững và thu nhập cao hơn. Giới thiệu cho người lao động những cơ hội thường xuyên học tập bồi dưỡng năng lực và trau dồi kỹ năng mới trong suốt cuộc đời lao động nghề nghiệp của họ.

– Hệ thống các kỹ năng cần được mã hóa, tiêu chuẩn hóa, đánh giá và chứng nhận, đó là cơ sở để trình độ kỹ năng của người lao động có thể dễ dàng được công nhận bởi các đối tác khác nhau và thuận lợi cho việc di chuyển trên thị trường lao động quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.

Các kỹ năng này được xây dựng phù hợp với các nhóm đối tượng, các cấp học trong hệ thống giáo dục-đào tạo theo hướng liên thông và được tổ chức đào tạo với nguyên tắc nâng dần theo “vòng xoắn ốc”.

Phát triển kỹ năng suốt đời để đáp ứng kỹ năng cho việc làm thay đổi là nguyên tắc mang tính chiến lược trong nâng tầm kỹ năng cho người lao động.

2.3. Nâng tầm kỹ năng là một chu trình

Đào tạo, duy trì, phát triển và nâng tầm kỹ năng chỉ đạt hiệu quả khi tiếp cận theo chu trình (cycle perspective) bao gồm:  Đào tạo kỹ năng, Duy trì kỹ năng và Cải thiện  kỹ năng. Như vậy nâng tầm kỹ năng theo chu trình trên được hiểu theo nghĩa rộng, bao trùm các hoạt động: Trước-Trong-Sau quá trình đào tạo. Học tập liền mạch và thường xuyên, bắt đầu từ tiểu học, là cách chuẩn bị đầy đủ cho những người trẻ tuổi tiếp nối với giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Đồng thời cung cấp những hướng dẫn nghề nghiệp, thông tin về thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp để họ chuẩn bị bước vào thị trường lao động.

– Đào tạo cơ bản cung cấp cho mỗi cá nhân kỹ năng nền tảng để phát triển tiềm năng của chính mình, tạo tiền đề cho khả năng có việc làm.

– Đào tạo ban đầu cung cấp các kỹ năng cốt lõi, kiến thức chung và kỹ năng chuyên môn sâu (theo từng ngành/nghề), tạo điều kiện cho việc chuyển giao từ đào tạo sang việc làm.

– Học tập suốt đời giúp duy trì, cải thiện liên tục các kỹ năng và năng lực của người lao đông khi các yêu cầu về công việc, công nghệ và kỹ năng thay đổi.

Các hoat động trên cần phải thực hiện qua các giai đoạn thiết yếu: Trẻ em; Thanh niên; Người lao đông trưởng thành và Người lớn tuổi. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống giáo dục cùng tham gia phát triển kỹ năng ngay từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

– Đối với giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, cần được bổ sung bởi các hiểu biết, cơ hội phát triển kỹ năng và đào tạo nghề phù hợp, đó là sự chuẩn bị và cung cấp cho thế hệ lao động tương lai các kỹ năng nền tảng, từ đó giúp họ có động lực để học tập không ngừng. Một số kỹ năng đơn giản trong chương trình đào tạo trong cấp Trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể được công nhận trình độ trong khuôn khổ Khung kỹ năng nghề;

– Đối với những người trẻ tuổi lần đầu tìm việc, con đường từ nhà trường đến nơi làm việc sẽ thuận lợi hơn khi họ được chuẩn bị tốt hơn, được trao các cơ hội tương xứng, bao gồm cả việc học nghề cũng như qua tích lũy kinh nghiệm làm việc từ thực tiễn.

– Đối với người đang có việc làm, họ cần có cơ hội để định kỳ trau dồi, bổ sung, đào tạo lại các kỹ năng và học hỏi, cập nhật thêm những kỹ năng mới.

3. Kết luận

Như vậy tầm kỹ năng thể hiện ở khả năng có việc làm (làm công ăn lương hoặc tự làm chủ) là kết quả của tất cả các yếu tố sau:

  (i)  Các kỹ năng nền tảng vững chắc,

 (ii) Các kỹ năng chuyên môn (cốt lõi và chuyên sâu) linh hoạt để tận dụng các cơ hội đào tạo sẵn có, cơ hội nâng cao kỹ năng thường xuyên và sử dụng hiệu quả các kỹ năng đã có.

 (iii) Liên kết hiệu quả và bền vững giữa đào tạo và việc làm “Tăng cường học tập tại nơi làm việc, nơi làm viêc trở thành  địa điểm đào tạo chủ yếu”.

Hiệu quả nâng tầm kỹ năng cho người lao động phụ thuộc vào trách nhiệm và sự phối hợp của các lực lương xã hội, đặc biệt vai trò tham gia chủ động và hiệu quả của người sử dung lao động (giới chủ).

Định hướng phát triển giáo dục- đào tạo đến năm 2030: “Phấn đấu đưa đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường  đào tạo nhân lực quốc tế”. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức trên đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ năng và thường xuyên được đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật và nâng tầm xứng tầm với các giai đoạn phát triển đất nước.

TS Phan Chính Thức

                                                                                           Chuyên gia đào tạo nghề