29/08/2022 9:45:50

Sang chấn tâm lý, sức khỏe ở trẻ em hậu covid-19: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Dịch covid -19 đã tác động không nhỏ tới thể chất và tâm lý của trẻ em, hàng nghìn trẻ mồ côi cha mẹ khiến cuộc sống của các em có nhiều biến động. Dưới đây là những dấu hiệu để gia đình và người thân nhận biết trẻ bị sang chấn và những cách điều trị, hỗ trợ để giúp các em cân bằng cuộc sống bình thường mới.

Ảnh minh họa

Mắc hoặc không vẫn bị ảnh hưởng

Thời gian qua, bệnh viện Nhi TW đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ em chủ động muốn đi khám vì những rối loạn bất thường gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Bệnh nhân nữ N.T.H, 14 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) đến bệnh viện sau khoảng 1 tuần khỏi covid -19. Ban đầu, N.T.H thường cần 1-2h mới ngủ được, rồi ngủ liền đến sáng. Sau đó, N.T.H có biểu hiện hay quên, khó tập trung. Em thường thấy đầu óc lâng lâng, không để ý được những việc xung quanh, khi học dễ bị mệt, không hiểu bài. Đôi  khi bố mẹ gọi, hỏi, em không đáp lời, hoặc khi sai việc, N.T.H quên ngay, không nhớ rằng bố mẹ vừa giao việc gì.

Dễ thấy rằng, với tâm lý non nớt, trẻ em đã phải chịu những biến động tâm lý lớn vì covid-19.

Các chuyên gia cho biết, thời gian giãn cách xã hội khiến cuộc sống và tâm lý của trẻ có nhiều thay đổi, còn khi đã nhiễm bệnh, trẻ phải chịu ảnh hưởng kép, thêm cả biến chứng hậu covid -19.

Thế nhưng hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể về ảnh hưởng của covid-19 đối với trẻ em. Chỉ có các nghiên cứu trên người lớn với kết quả đáng chú ý.

Một nghiên cứu được thực hiện tại 13 quốc gia, có trên 22.330 người trưởng thành tham gia với 65,6% là nữ đã từng mắc covid-19, số tuổi trung bìnhlà 41,9; Kết quả cho thấy có 21,7 – 53% trong số họ phàn nàn bị rối loạn giấc ngủ.

Một câu hỏi đặt ra là liệu trẻ em từng mắc covid -19 có bị ảnh hưởng như thế này hay nhiều hơn?

Những dấu hiệu nhận biết

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi TW chỉ rõ: “Hậu covid-19, ở trẻ có thể xuất hiện dấu hiệu bất thường như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, mệt mỏi và suy giảm nhận thức. Không ít trẻ chưa từng bị covid-19 nhưng cũng bị mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán nản, dễ cáu gắt, ho, tức ngực, hay quên. Song khi xét nghiệm thì cơ thể không có bất thường”.

Đáng quan ngại hơn cả là sau thời giangiãn cách, nhiều trẻ trở nên trầm tính, thích ở một mình, dễ cáu gắt, ngại nơi đông người hoặc trở nên quá chú tâm vào việc xem phim, chơi game.

Để biết con em mình có cần đến bác sĩ thăm khám hay không, cha mẹ cần bình tĩnh quan tâm hơn đến con từ những điều nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Việc cha mẹ lo lắng quá sẽ gây ảnh hưởng đến không khí gia đình và tác động tiêu cực đến trẻ.

Với một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể có sang chấn tâm lý sau khi mắc covid 19 với các biểu hiện rõ ràng như: Sợ nơi đông người, sợ bị lây nhiễm; Cẩn thận quá mức như rửa tay, sát khuẩn nhiều lần, thái quá, không dám bỏ khẩu trang khi ra ngoài; Ám ảnh bệnh tật, sợ cái chết; Lo lắng thái quá trong một số tình huống đời sống…

TS.BS Đỗ Minh Loan có lời khuyên: Khi trẻ có 1 hoặc 1 số các biểu hiện kể trên kéo dài 1-2 tuần trở lên, gia đình cần theo dõi các triệu chứng của trẻ và nên cân nhắc cho trẻ đi khám sàng lọc sớm về sức khỏe tổng quát (thực thể và tinh thần).

Cần được quan tâm nhiều hơn

Bên cạnh đó, việc bị mất người thân hoặc người thân chịu những biến chứng nặng nề vì covid -19 càng khiến cuộc sống của các em khó khăn hơn.

Theo thống kê từ WHO, từ khi bùng dịch đến tháng 10/2021, có khoảng 107,964 triệu trẻ em mồ côi tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Tại Việt Nam, từ năm 2020 – 4/2022 có 4.461 trẻ em mồ cô do Covid-19, riêng tại TP Hồ Chí Minh có 2.208 trẻ em; số trẻ mồ côi cả cha và mẹ là 193; số trẻ mồ côi cha hoặc mẹ là 4268.

Việc người thân bị mất đi là 1 sang chấn tâm lý đối với trẻ. Tùy thuộc vào mối quan hệ của trẻ với người đó mà các rối loạn tâm lý và mức độ rối loạn ở trẻ cũng khác nhau. Ví dụ nếu người mất đi là cha/mẹ/ người chăm sóc chính cho trẻ thì mức độ ảnh hưởng sẽ nặng nề hơn.

Lúc này, điều mà người thân cần làm nhất là giúp trẻ nhận ra rằng xung quanh vẫn còn người lớn quan tâm chăm sóc, yêu thương và che trở cho trẻ. Tránh để trẻ có cảm giác cô đơn và chỉ có một mình.

Bên cạnh đó, việc động viên khích lệ trẻ tham gia vui chơi cùng các bạn, cũng như tham gia trở lại một số hoạt động cùng người thân trong nhà (hoặc người chăm sóc) rất cần được khuyến khích.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Hiện nay, hầu hết trẻ em mồ côi được hỗ trợ từ Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, người hảo tâm cũng có những hỗ trợ dành cho các em theo nhiều hình thức như: Hỗ trợ hàng hóa, tặng học bổng, sổ tiết kiệm…

Tuy nhiên, các giải pháp cần có tính toàn diện và lâu dài. Vậy nên, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em đang phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan để xây dựng nội dung chương trình đề án nhằm đề xuất những chính sách kịp thời, phù hợp nhất giúpchăm sóc, bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước trong giai đoạn bình thường mới.

Ngô Diệp