Ngày 14/4, Bộ GD-ĐT chính thức trình Chính phủ phương án thi THPT Quốc gia, trong đó có phương án không tổ chức kỳ thi này như mọi năm. Một số trường đại học đang xem xét lên kế hoạch tuyển sinh riêng nếu trong trường hợp xấu nhất là kỳ thi THPT Quốc gia 2020 không thể tổ chức như dự kiến.
Ngày 10/4, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Trường sẽ tuyển 6.800 chỉ tiêu cho 59 mã xét tuyển thuộc các ngành và chương trình đào tạo năm nay. Trường sẽ xét tuyển bằng 4 hình thức trong đó có hình thức mới là kỳ thi riêng dự kiến lấy khoảng 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy.
– Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Quốc tế, đoạt giải trong các kỳ thi chọn HSG quốc gia và Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
– Xét tuyển thẳng theo các chương trình đào tạo quốc tế (đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường).
– Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2020, trong đó ưu tiên xét tuyển và cộng điểm ưu tiên các thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng và thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
– Điểm mới nhất là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, tiến hành song song, độc lập với các phương thức còn lại.
Để đăng ký tham gia bài thi riêng, sinh viên cần trải qua vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó làm bài thi được thiết kế phù hợp với trình độ THPT, có tính phân loại. Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong khoảng từ 20-26/7, mỗi bài thi 180 phút. Thí sinh sẽ được ưu tiên cộng điểm nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Ngày 14/4, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã ra thông báo chính thức về phương án tuyển sinh năm 2020 hệ đại chính quy, trong đó công bố phương án 2 là phương án trong trường hợp Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Cụ thể, trường sẽ tổ chức 8 môn thi tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển đã công bố là Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, trong đó ngoại trừ môn Văn thi tự luận thì các môn còn lại sẽ thi hình thức trắc nghiệm theo nội dung tương tự đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020 Bộ GD-ĐT đã công bố.
Bên cạnh đó, trường cũng sẵn sàng phối hợp với các trường khác tổ chức thi tuyển sinh đại học chung với mục tiêu bảo đảm sự ổn định và nhất quán với các phương án tuyển sinh đã công bố và bảo vệ quyền lợi cao nhất của thí sinh. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào tháng 8/2020.
Ngoài ra, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lên kế hoạch giữ nguyên phương án tuyển sinh đã công bố vào đầu năm 2020 nếu kỳ thi THPT Quốc gia 2020 vẫn được Bộ GD-ĐT đảm bảo diễn ra. Dự kiến trường sẽ tuyển 5.800 chỉ tiêu theo 3 hình thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng và tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia 2020.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng đang xây dựng các phương án tuyển sinh trong trường hợp Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Phương án 1, trường sẽ tổ chức thi trên máy tính một bài tổ hợp chung các môn học, riêng ngành có môn chính là tiếng Anh sẽ thi thêm tiếng Anh. Dự kiến trường sẽ thi thành nhiều đợt, tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8 tại trường.
Phương án 2, trường sẽ tổ chức thi tương tự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 với 8 môn thi được xét thành các tổ hợp. Với trường hợp này, trường dự kiến sẽ kết hợp cùng một số trường có chung mục tiêu để tổ chức thành một đợt thi vào tháng 8, dự kiến kéo dài 3-4 ngày.
Phương án 3, trường sẽ xem xét tổ chức thi riêng và công nhận toàn bộ kết quả của thí sinh đã tham dự kỳ thi của các trường đại học khác. Ngoài ra, trường vẫn xét học bạ và các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển thẳng cho các thí sinh đạt yêu cầu.
PVTH