Liên tục những ngày qua, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu những cơn bão nhiệt đới liên tiếp, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Thậm chí vào 10 giờ ngày hôm nay (19/10), bão số 6 (NESAT) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12, dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi trong 2 ngày tới.
Ngành thực phẩm, bán lẻ tăng giá sau mưa lũ
Mưa lũ những ngày qua cũng khiến hầu hết các làng trồng rau cung cấp cho các chợ truyền thống ở thành phố Đà Nẵng bị ngập, hư hỏng. Không chỉ Đà Nẵng mà các vùng trồng rau lân cận ở tỉnh Quảng Nam cũng ngập úng nên nguồn cung rau xanh càng khan hiếm. Điều này làm cho giá rau xanh tăng cao so với ngày thường.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Cồn, lượng rau củ nhập về những ngày này cũng hạn chế. Vì thế, các loại rau xanh tăng giá gấp đôi so với trước mưa lũ.
Cụ thể như giá rau muống, rau mồng tơi, rau ngót ngày thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/bó nay lên đến 20.000 đến 25.0000 đồng/bó; rau khoai 10.000 đồng/bó nay có giá bán 15.000 đồng; giá các loại rau thơm cũng tăng mạnh từ 40.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg; cà chua tăng giá thêm 5.000 đồng/kg…
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một số loại củ, quả và nông sản từ Đà Lạt và Gia Lai được nhập về thêm. Tuy nhiên, do vận chuyển đường xa, giá cước cao nên giá thành nhích lên so với ngày thường.
Ngành thực phẩm, bán lẻ, nhất là các cửa hàng mua sắm trực tiếp giảm sâu doanh thu do 63% người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến khi trời có mưa và 37% khách hàng sẽ không đi mua sắm khi trời mưa. Mưa lớn, lốc xoáy, gió to gây ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa, chậm trễ giao hàng… Tại một số chợ, hàng hóa của tiểu thương cũng bị hư hỏng nhiều do ngập sâu trong nước khiến giá cả tăng cao sau mưa bão.
Hệ thống giáo dục bị ngưng trệ vì ngập úng
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, hiện nay một số trường học vẫn bị ngập nước như trường THPT Ông Ích Khiêm, Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, THCS Huỳnh Thúc Kháng,… Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 bị đổ 10 mét tường rào, trước đó nước ngập vào tầng trệt hơn 1m.
Một số trường học khác bị thấm dột, hư hỏng nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học. Trong đợt lũ, hầu hết tuyến đường liên tỉnh ngập sâu, ách tắc. Hệ thống đường liên huyện, thị xã hầu hết bị ngập úng, cô lập… học sinh buộc phải nghỉ học để đợi nước rút hết.
Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề
Được biết, Duyên hải Nam Trung Bộ chiếm gần 20% sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của cả nước, nhất là các loại đặc sản (tôm, tôm hùm, cá mú, ngọc trai…) với diện tích khoảng 60.000 ha trên các loại thủy vực: mặn, ngọt, lợ.
Tuy nhiên lượng mưa lớn và liên tục đã làm các chỉ tiêu chất lượng nước bị xáo trộn mạnh mẽ. Thông số quan trọng nhất trong ao nuôi là mức oxy hòa tan (DO) giảm sâu nếu mưa kéo dài liên tục. Nếu thiếu đi một lượng lớn oxy hòa tan, chắc chắn là tôm cá nuôi sẽ bị tác động đến sức khỏe, các hoạt động và cả sức đề kháng của chúng với mầm bệnh.
Ngoài ra, khi nước mưa xuống ao quá nhiều, sẽ làm độ mặn trong nước hạ xuống đột ngột, làm biến đổi quá trình thẩm thấu của tôm cá, làm chúng dễ bị sốc. Độ mặn giảm còn làm khoáng chất và vitamin trong nước bị hạn chế, tôm cá không hấp thụ được sẽ gây biến đổi nhiều quá trình sinh lý trong cơ thể chúng. Thời tiết càng xấu, mưa lớn càng kéo dài, càng làm các thông số môi trường biến động nhiều hơn, sức khỏe tôm, cá càng yếu hơn dẫn đến chết hàng loạt hoặc lây bệnh lẫn nhau.
Doanh nghiệp và người lao động “trầy trật” vì mưa lũ
Mưa lũ kéo dài những ngày qua làm nhiều tài sản như máy móc, thiết bị, nhà kho, phân xưởng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong những ngày mưa to, gió lớn, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người lao động, một số công ty đã thông báo cho nhân viên nghỉ tạm thời.
Để bảo đảm quyền lợi, người lao động cần tìm hiểu kỹ về Khoản 3 Điều 99 Chương VI Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2019):
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.”
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng đã nâng mức lương tối thiểu vùng ở Đà Nẵng (vùng II) lên 4.160.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2022 (trước đó là 3.920.000 đồng/tháng).
Quang Trung