31/08/2021 7:05:53

Mạng lưới an sinh xã hội ở TP. HCM: Không bỏ sót bất cứ ai

Để thực hiện mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”, “không để người dân nào đói”, TP.HCM tạo ra một lưới an sinh xã hội để từ ngân sách, nguồn vận động của MTTQ, các đoàn thể, từ sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và các tỉnh, thành “đón” hết những người khó khăn mà chính sách hỗ trợ chưa thể đến kịp.

Những gói hỗ trợ nghìn tỷ, mở rộng đối tượng an sinh

TP.HCM đã và đang tập trung thực hiện nhiều gói hỗ trợ người dân, đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ, nhất là người dân tại khu phong tỏa để không người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Từ đầu tháng 7, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM đã hỗ trợ 365.300 lao động tự do với kinh phí 576 tỷ đồng. Thành phố cũng hỗ trợ hơn 52.000 lao động ở doanh nghiệp hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương (trong tổng số 56.000 người, chiếm 92%), hơn 5.800 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động (100%) và hơn 15.000 hộ (trong tổng 16.500 hộ) thương nhân ở chợ truyền thống.

Bà Trần Thị Mai Lý, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận (áo xanh) tặng quà cho người dân khó khăn trên địa bàn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

TP.HCM cũng đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đối với gần 101.400 đơn vị, doanh nghiệp với quy mô hơn 2,3 triệu lao động. Số tiền được giảm mức đóng là hơn 1.061 tỷ đồng. Cùng với đó, 102 doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 218 tỷ đồng cho 22.300 công nhân.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 8, TP.HCM mở rộng đối tượng hỗ trợ, tiếp tục thực hiện gói lần 2 với kinh phí hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM tiếp tục hỗ trợ 365.000 lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng/người/30 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Người nhận hỗ trợ là những người buôn gánh bán bưng, bảo vệ, khuân vác, thu gom giấy vụn… Đến ngày 15/8, TP.HCM đã hoàn thành việc hỗ trợ tới tận tay người dân lao động tự do.

Trong đợt hỗ trợ lần 2, TP.HCM có mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ cho gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (gồm 1,2 triệu đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng). Đặc biệt, khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự thì được hỗ trợ.

TPHCM Hỗ trợ quà cho người dân trong khu vực cách ly. Ảnh: Hồ Trung

Doanh nghiệp và tất cả các thành phần lao động đều được TP hỗ trợ. Đến cuối tháng 8, đã có 44 doanh nghiệp vay để trả lương cho hơn 9.600 công nhân, người lao động và phục hồi sản xuất với tổng số tiền 75 tỷ đồng. TP.HCM cũng có chính sách hỗ trợ cho hơn 6.000 hướng dẫn viên ngành du lịch với kinh phí trên 23 tỷ đồng; hỗ trợ 139 người là đạo diễn, diễn viên với kinh phí hơn 500 triệu đồng.

“Cứ ai thực sự nghèo, khó khăn là được hỗ trợ, không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ khó khăn là được hỗ trợ”, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết.

Được biết, tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, nếu ai không có tài khoản cá nhân thì nhận trực tiếp. Việc chi hỗ trợ đảm bảo không bỏ sót, cũng không trùng lặp và ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ lao động có từ 3 nhân khẩu trở lên. Kinh phí vừa từ ngân sách TP.HCM, vừa từ sự hỗ trợ của cộng đồng.

TP.HCM cũng đang chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn khi TP tiếp tục giãn cách xã hội. Được biết, trước đó, nhiều hộ dân ở TP.HCM đã nhận được túi quà an sinh 300.000 đồng thuộc gói “2 triệu túi an sinh chăm lo cho người dân khó khăn vì đại dịch” do Trung tâm An sinh TP.HCM vận động được trong thời gian qua và sẽ được nhận tiếp 1,2 triệu đồng tiền mặt từ gói hỗ trợ của TP. Đối với hộ chưa nhận gói hỗ trợ nào sẽ nhận được đủ 1,5 triệu đồng tiền mặt theo quy định mới của TPHCM.

Người dân (phải) ký nhận hỗ trợ tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức, đầu tháng 8/2021. Ảnh: Nguyễn Hưng

Để giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, TP.HCM cũng kịp thời điều chỉnh lại một số đối tượng được hỗ trợ cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là điều chỉnh cụm từ “hộ lao động nghèo” thành “hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.

Việc Thành phố mở rộng đối tượng được hưởng các gói an sinh xã hội sẽ góp phần đảm bảo hỗ trợ đúng, kịp thời đến những người thật sự cần giúp đỡ để vượt qua đại dịch. Theo đó, người dân thuộc nhóm đối tượng mở rộng được hưởng gói an sinh xã hội cũng sẽ nhận mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/hộ. Nhờ sự điều chỉnh này, TP.HCM hơn 3 triệu người thuộc nhóm đối tượng này và đã được nhận hỗ trợ từ TP vào cuối tháng 8.

Liên ngành, doanh nghiệp gõ cửa từng nhà tìm người trợ giúp

Ngoài các gói hỗ trợ trên, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, các đoàn thể chính trị – xã hội, doanh nghiệp, người dân và các các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đang chung tay hỗ trợ người dân. Bên cạnh hàng triệu phần quà hỗ trợ người dân từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì đơn vị này cũng thực hiện những hoạt động thiết thực trong khả năng của mình để “không người dân nào bị bỏ sót”.

Trước tình hình nhiều người dân trên địa bàn phản ánh về những khó khăn trong cuộc sống khi thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức chủ trì phối hợp thực hiện quyết liệt “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát tất cả các phòng trọ, nhà trọ trên địa bàn và thống kê số công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên… bị “mắc kẹt” chưa kịp về quê, gặp khó khăn cần quan tâm chăm lo, báo cáo để tổng hợp đề xuất Bộ Tư lệnh hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, đơn vị nào làm chậm, sót đối tượng, để người dân trên địa bàn tiếp tục phản ánh với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Thu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 4 cho biết, đến ngày 17/8, quận đã tiếp nhận hơn 6.500 túi an sinh xã hội từ Thành phố và đã phân bổ về các phường để chăm lo kịp thời cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đã đề nghị các cấp công đoàn trực thuộc triển khai việc thông tin đoàn viên, công nhân, người lao động khi gặp các vấn đề khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể gọi đến Tổng đài 1022 và nhấn phím số 2 để cung cấp thông tin đề nghị được hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận, Tổng đài 1022 sẽ chuyển nhu cầu, thông tin người dân đến UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, Sở LĐ-TB&XH TP để xử lý, hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất.

Trong ngày đầu triển khai, Tổng đài 1022 đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi cứu trợ từ người dân. Trước tình hình quá tải này, ngày 12/8, Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp triển khai Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thông qua Cổng thông tin này.

Hàng trăm tình nguyện viên là sinh viên của các trường đại học trong TP đã tham gia và đã kịp thời chuyển tiếp thông tin về hỗ trợ, chăm sóc y tế và hỗ trợ nhu yếu phẩm và các chính sách khác của người dân tới các đơn vị liên quan để xử lý.

Trước đó, TP.HCM đã thành lập Quỹ phòng chống Covid-19 và theo thống kê của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, tính đến tối 31/7, Quỹ này đã tiếp nhận số tiền hơn 2.143 tỉ đồng, trong đó, thu tiền mặt hơn 858 tỉ đồng và gần 300.000 tấn hàng hóa, nông sản, thực phẩm của các tỉnh gửi về hỗ trợ TP cùng trang thiết bị, vật dụng y tế trị giá hơn 1.106 tỉ đồng.

Sáng 15/8/2021, TP.HCM ra mắt Trung tâm An sinh Xã hội TPHCM, đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM. Trung tâm có nhiệm vụ tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, không để người lao động mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực. Đặc biệt là những trường hợp rất khó khăn như người bán vé số, xe ôm, buôn gánh, bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, người yếu thế trong xã hội.

HUBA trao tặng 37.000 phần quà cho người dân gặp khó khăn. Chiến sĩ hải quân phụ mang những gói quà nhu yếu phẩm do HUBA tặng cho UBMTTQ thành phố Thủ Đức xuống xe tải và tập hợp lại trước khi trao cho người dân

Từ chiều ngày 28/8, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tặng 10.000 gói thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 (F0) đang điều trị tại nhà ở TP, mỗi túi gồm 6 loại thuốc, khẩu trang y tế, nước muối sinh lý.

Được biết, Số tiền để mua 10.000 gói thuốc thu được chỉ trong một tuần vận động, do các công ty thành viên của HUBA và các nhà hảo tâm tài trợ.

Trước đó, HUBA đã thực hiện nhiều chương trình để đồng hành cùng TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh và chung tay chia sẻ khó khăn với người dân gặp khó khăn. Trong đó, chương trình hỗ trợ khẩn cấp 37.000 phần quà cho người dân gặp khó khăn tại TP.HCM được HUBA hoàn thành trong ngày 18/8.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, HUBA đang tiếp tục triển khai thêm 40.000 phần quà, dự kiến được trao tặng vào đầu tháng 9 với tổng số tiền thực hiện gần 27 tỉ đồng.

Tất nhiên, vấn đề sức khoẻ của người dân được TPHCM đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các bệnh viện, thành phố đã thiết lập được 401 trạm y tế lưu động để chăm sóc người dân mắc và nghi mắc COVID-19 tại nhà ở tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Các y bác sĩ thăm khám, tư vấn cho những bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà ở phường 7, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Duyên Phan

Nhờ những trạm y tế này, tất cả những người bệnh khi điều trị tại nhà sẽ các bác sĩ tại các trạm này sẽ tiếp nhận khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Dự kiến trong thời gian tới, tùy vào tình hình dịch bệnh và số ca nhiễm được chăm sóc theo dõi ở nhà, ngành y tế TP sẽ tiếp tục thiết lập các trạm y tế lưu động nhằm đảm bảo mỗi trạm quản lý từ 50 đến 100 người bệnh.

PV