06/11/2023 6:06:20

Đào tạo Chương trình 9+ trong các cơ sở GDNN:

Mắc kẹt trong các “rào cản” không được tháo gỡ

9+ là chương trình đào tạo được đông đảo phụ huynh và học sinh sau tốt nghiệp THCS đón nhận, lựa chọn hào hứng nhập học trong những năm gần đây. Tuy nhiên nhiều chính sách cũng như cơ chế quản lý chương trình này đang gây khó khăn cho học sinh cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Vất vả vì cơ chế xin – cho

Những ngày đầu thu chúng tôi có mặt tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đăk Lăk, tọa lạc tại TP Buôn Ma Thuột, thủ phủ các tỉnh Tây Nguyên. Tiếp chúng tôi với thái độ dè dặt “cảnh giác” với báo chí, TS Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng nhà trường bức xúc cho biết, nhà trường đang thực hiện cơ chế tự chủ nhưng lại không ra tự chủ. Vướng mắc nhất đó là đào tạo chương trình 9+.

Theo ông Cương, thực tế chứng minh nhu cầu học sinh chương trình 9+ vừa học văn hóa, vừa học nghề trong các cơ sở GDNN rất lớn. Điều này xuất phát từ tâm lý các bậc phụ huynh muốn con em mình nếu không học tiếp lên để thi lấy bằng THPT (hệ GDTX) thì cũng có bằng nghề để đi làm. Hoặc con em nào xác định chỉ học trung cấp nghề để tham gia thị trường lao động thì cũng sớm có cái bằng nghề. Cũng chính vì vậy vài năm gần đây lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào học hệ 9+ tại Trường CĐ Kỹ thuật Đăk Lăk khá cao. Riêng năm 2023, trường tuyển gần 1.000 học sinh hệ này. Tuy nhiên nhiều rắc rối cũng từ “vì học sinh thân yêu mà ra”.

Ông Cương cho biết, 8 năm về trước việc đào tạo hệ trung cấp đối với các trường cao đẳng diễn ra bình thường, chỉ đến năm 2020 Bộ GD-ĐT có văn bản qui định việc dạy văn hóa phải qua các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) mới phát sinh nhiều vướng mắc.

Theo ông Cương hiện trường ông đang đào tạo 3 loại hình 9+. Một là lớp 9 không học nghề, chỉ học văn hóa (học lên THPT); 2 là 9+ 4 tức là học nghề và học 4 muôn văn hóa theo qui định của Bộ GD-ĐT để lấy bằng trung cấp nghề; 3 là 9+7 tức là vừa học nghề vừa học 7 môn văn hóa chương trình GDTX để sau này vừa có bằng nghề lại vừa có thể đăng ký thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Cả 3 hình thức 9+ này theo qui định của Bộ GD-ĐT trường đều phải sang TTGDTX do UBND và Sở GD-ĐT tỉnh quản lý xin phép để ký kết đào tạo, theo hình thức TTGDTX cử giáo viên của TT sang trường dạy văn hóa cho học sinh chương trình 9+ nếu trường đủ điều kiện cơ sở vật chất. Nếu trường không đảm bảo điều kiện thì học sinh 9+ phải đến trung tâm GDTX học văn hóa rồi quay về trường cao đẳng học nghề.

TS Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk

Tuy nhiên theo cán bộ tuyển sinh của trường, để  ký kết được với một TTGDTX là câu chuyện “xin – cho” không đơn giản, phải trao đi đổi lại nhiều lần, không thỏa thuận được lại phải tìm TT khác, trong khi trên địa bàn thành phố không có nhiều TTGDTX để lựa chọn nên nhiều khi trường lâm vào thế bế tắc.

Đã vậy, trong khi nhu cầu học sinh 9+ rất lớn nhưng chỉ tiêu cho phép đào tạo thì hạn chế, muốn tăng thêm lại phải sang TTGDTX “xin” mà có được các TTGDTX “cho” hay không thì phụ thuộc vào sự thỏa thuận tài chính mà bên TTGDTX đưa ra. Do đến nay chưa có hướng dẫn sử dụng tài chính trong liên kết dạy văn hóa chương trình GDTX trong các cơ sở GDNN nên các cơ sở GDNN muốn “được việc” phải chấp nhận mức tài chính mà phía TTGDTX đưa ra.

Năm 2023 tổng chỉ tiêu tuyển vào của nhà trường là 2.750 HSSV, đến thời điểm này mới đạt 50% trong đó học sinh hệ trung cấp chiếm 96%, vượt chỉ tiêu nhưng nhà trường không muốn vượt, vì vượt là phải đi xin thêm chỉ tiêu. Không “xin” thì tội cho học sinh không biết học ở đâu, mà “xin – cho” rất mệt mỏi, đôi khi “xin” được xong lại nhỡ hết cả kỳ học của học sinh. Đã không được gì về kinh tế mà “vượt” không cẩn thận còn bị nhắc nhở, kiểm điểm, nên nhà trường có tâm lý “không dại gì mà vượt”.

Khổ vì thiếu cơ chế quản lý, sử dụng học phí văn hóa

Đã vậy năm 2023 trường thu gần 500 triệu đồng học phí văn hóa hệ 9+ nhưng theo thỏa thuận, trường phải nộp cho TTGDTX tỉnh 250 triệu. Trong khi nhà trường phải tự chủ, ngân sách nhà nước không cấp, trường tồn tại chủ yếu dựa vào thu học phí.

Nhưng khi trường được phép tổ chức dạy văn hóa chương trình GDTX cho học sinh hệ 9+ tại trường, phải chi phí cơ sở vật chất, điện nước, trả lương giáo viên, quản lý HS trong suốt những năm học thì nguồn thu học phí vẫn chưa được hướng dẫn sử dụng hợp lý khiến cho nhà trường nói riêng và  các cơ sở GDNN nói chung chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn.

Cán bộ tuyển sinh của nhà trường cho biết thêm, tháng 12 năm 2022, sau khi Trường CĐ Kỹ thuật Đắk Lắk có văn bản gửi UBND – Sở Tài chính tỉnh hỏi về việc quản lý sử dụng học phí liên kết đào tạo chương trình GDTX cấp THPT trong đào tạo trung cấp nghề, sau đó Sở Tài chính Đắk Lắk có văn bản hỏi Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính mới có văn bản trả lời cho biết, đến nay chưa có hướng dẫn sử dụng nguồn thu học phí trên do Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm chương trình này theo Nghị định 81/2021/NĐ–CP chưa thực hiện hướng dẫn. Vì vậy Bộ Tài chính sẽ chuyển công văn của Sở Tài chính Đăk Lắk tới Bộ GD-ĐT để chủ trì, nghiên cứu và hướng dẫn. Vậy là đến nay trường vẫn phải chờ.

Bất cập cơ chế phối hợp với Trung tâm GDTX

Ông Cương cho rằng việc Bộ GD-ĐT qui định quản lý về chất lượng đào tạo văn hóa là cần thiết. Tuy nhiên việc bắt buộc các cơ sở GDNN phải liên kết với các TTGDTX lại đang gây khó cho học sinh và bản thân nhiều trung tâm GDTX.

Theo tìm hiểu của phóng viên trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều trưởng cao đẳng đều đang gặp khó khăn trong việc liên kết với TTGDTX.

Thứ nhất, đối với các TTGDTX đủ năng lực, đủ giáo viên và cơ sở vất chất, đồng thời chỉ tiêu tuyển sinh của họ đã đạt thậm chí đã quá tải, họ không đủ giáo viên để liên kết thêm với các trường cao đẳng nữa dù các văn bản của HĐND tỉnh và Sở GD-ĐT tỉnh đã qui định trường cao đẳng phải liên kết với TTGDTX theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Điều này làm cho nhiều trường cao đẳng không thể triển khai chương trình đào tạo văn hóa đúng tiến độ.

Trường hợp thứ 2 là TTGDTX thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không đảm bảo tổ chức dạy nhưng lại có quyền “xin – cho” đối với các cơ sở GDNN. Nên việc tổ chức đào tạo thế nào là do cơ sở GDNN chịu trách nhiệm. TTGDTX có trách nhiệm nhận tiền học phí do cơ sở GDNN thu hộ và ký xác nhận học bạ cùng danh sách học sinh đã hoàn thành chương trình văn hóa do bên cơ sở GDNN đưa để TTGDTX gửi lên Sở GD-ĐT cấp bằng. Thế nên mới xảy ra tình trạng “cốc làm, cò xơi”. Không cho “cò xơi”, “cò” có nhiều lý do từ chối hợp tác với cơ sở GDNN.

Bên cạnh đó còn có trường hợp các TTGDTX không có chức năng dạy nghề nhưng để thu hút học sinh, các TT này ký kết “ngược” với các đơn vị có chức năng GDNN để dạy nghề. Thậm chí TTGDTX không có chức năng dạy nghề nhưng một số Sở LĐ-TB&XH địa phương vẫn cấp phép cho các TT này dạy nghề khiến cho việc liên kết giữa các cơ sở GDNN với TTGDTX trở thành “thị trường” ngày càng phức tạp mà đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là học sinh.

Do chưa có qui định tài chính rõ ràng nên việc hợp tác giữa cở sở GDNN và TTGDTX để dạy văn hóa cho học sinh 9+ đang diễn ra mỗi nơi một kiểu vì vậy không tránh được sự tùy tiện trong cơ chế xin – cho dễ dẫn đến tiêu cực.

Điều này khiến nhiều trường CĐ lâm vào thế mắc kẹt và bế tắc trong việc tổ chức dạy văn hóa cho học sinh hệ 9+ theo đúng tiến độ chương trình như qui định của Bộ GD-ĐT.

Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đăk Nông, theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đăk  Nông được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và là địa chỉ đào tạo uy tín trong tỉnh, nơi cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho tỉnh và các địa phương lân cận.

Tuy nhiên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết với TTGDTX – Ngoại ngữ tin học tỉnh Đăk Nông. Năm 2022 nhà trường phải có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh, TTGDTX – Ngoại ngữ tin học tỉnh thì họ mới nhận học sinh 9+ của nhà trường. Nhưng năm 2023 chẳng hiểu sao TT này lại không nhận nữa, mặc dù trường đã gặp gỡ trao đổi nhiều lần nhưng vẫn bị TT này từ chối.

Để tháo gỡ ách ách tắc này, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cũng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm GDTX – Ngoại ngữ tin học tỉnh Đắk Nông phải khẩn trương triển khai liên kết với Trường cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, nhà trường cũng đã có danh sách học sinh  gửi sang TTGDTX – Ngoại ngữ tin học Đắk  Nông nhưng đến nay Trung tâm này vẫn  không chịu trển khai liên kết với nhà trường. Lý do họ đưa ra là thiếu giáo viên, không đủ điều kiện giảng dạy.

TS Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao dẳng Cộng đồng Đắk Nông

Tìm gặp lãnh đạo nhà trường, TS Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cộng đồng Đắk  Nông cho biết, có vướng mắc đó, nhà trường đang rất lúng túng vì  đã có các văn bản chỉ đạo cao nhất của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT  Đắk  Nông nhưng Trung tâm vẫn không chấp hành thì “chúng tôi cũng chịu”. Ông Lành cho biết thêm, hiện nhà trường cũng không thể mời TTGDTX khác để liên kết mà giải pháp là nhà trường tiếp tục có văn bản xin chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT Đắk Nông. Tuy nhiên tình trạng này kéo dài gây thiệt thòi cho học sinh và vô cùng khó khăn cho nhà trường.

Bài 2: Cần sớm sát nhập Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN vào trường cao đẳng                                                                

Hoàng Quân