Trong suốt hành trình gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư duy và quan điểm phát triển chính sách xã hội tại Việt Nam luôn được cập nhật, đổi mới, từng bước vươn tầm. Từ hỗ trợ nhân đạo đến hệ thống chính sách luật pháp quốc gia đảm bảo quyền an sinh của công dân tiếp cận với nhiều tiêu chí quốc tế.
Bài 1: Đột phá từ tư duy đến thực tiễn
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với chính sách xã hội
Nghiên cứu của Bộ Lao động cho thấy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) yêu cầu: “Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay”.
Đến Đại hội XII, quan điểm về chính sách xã hội phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư được nhấn mạnh và nhận thức sâu sắc hơn: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội… quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu – nghèo, bảo đảm sự phát triển xã hội ổn định và bền vững… Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội…”.
Tại Đại hội XII, nhận thức về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế được nâng lên tầm cao mới thành chủ trương, quan điểm chung của Đảng phù hợp với xu hướng chung của thế giới về mô hình phát triển kinh tế thị trường gắn kết xã hội: “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”.
Đại hội XIII phát triển nhận thức về mối quan hệ gữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế thể hiện trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện đại theo hướng “Gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường…; gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội”. Đại hội XIII nhấn mạnh cần phải tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”.
Hướng tới an sinh xã hội toàn dân
Có thể thấy trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới (2011 đến nay), tư duy về giải quyết các vấn đề xã hội tiếp tục được phát triển và nâng tầm, đó là: (i) từ chỗ giải quyết các vấn đề xã hội mang tính hỗ trợ, giải quyết hậu quả sang nâng cao năng lực để thích ứng và phát triển.
Đặc biệt, đã từng bước lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực trong hoạch định và thực thi hệ thống chính sách xã hội nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội; (ii) nhận thức về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế được nâng lên tầm cao mới thành chủ trương, quan điểm chung của Đảng phù hợp với xu hướng chung của thế giới về mô hình phát triển kinh tế thị trường gắn kết xã hội.
Đồng thời, tiếp tục phát triển nhận thức về mối quan hệ gữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế thể hiện trong giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện đại; (iii) phát triển hệ thống chính sách ASXH gắn với mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới công bằng xã hội và giảm thiểu bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư, để không một ai “bị để lại phía sau” trong phát triển hòa nhập hay bao trùm; (iv) Cách tiếp cận trong xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Có thể thấy trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII, quan điểm về chính sách xã hội dần được hoàn thiện trở thành một hệ thống quan điểm về chính sách xã hội trong thời kỳ đổi mới, đó là: (i) Tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.
Tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc trong từng thời kỳ phát triển để mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả của phát triển và thực hiện công bằng xã hội; (ii) Chính sách xã hội (chính sách xã hội) đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH; (iii) Khẳng định trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi đơn vị, của từng gia đình, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân trong việc thực hiện chính chính sách xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần xã hội hóa, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; (iv) Hướng đến đảm bảo an sinh xã hội toàn dân.
Những thành tựu quan trọng
Những chuyển hướng về tư tưởng, nhận thức và hành động đã tạo thành động lực to lớn để đưa Việt Nam ‘cất cánh”, tăng trưởng nhanh và bền vững; các thành tựu tăng tưởng kinh tế đã được chuyển hoá thành nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xã hội. Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng.
Duy trì được tốc độ tăng trường kinh tế tương đối cao (đạt 4,4%/năm giai đoạn 1986-1990, 7% /năm giai đoạn 1996-2000, 6,8% /năm giai đoạn 2006 – 2019, giảm còn gần 3%/năm giai đoạn 2020 – 2021 do tác động của Đại dịch covid-19 và đạt 8% năm 2022, dự kiến 6,3% năm 2023). Chất lượng tăng trưởng được nâng cao (năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 – 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 – 2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp bình quân 5 năm 2016 – 2020 đạt khoảng 45,2%, mục tiêu đề ra là 30 đến 35%).
Việt Nam lần đầu tiên sau hàng thế kỷ đã thoát khỏi ngưỡng nước nghèo và trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp (từ năm 2010, TNBQ đầu người đạt 1168USD) và đạt 4.110 USD năm 2022, bằng 48 lần so với năm 1986 và 3,5 lần so với năm 2010. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày, theo PPP năm 2017) giảm còn hơn 14% năm 2010 và 3,8% năm 2020.
Đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hòa hơn. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh và trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngày càng được cải thiện.
Nguồn lực đầu tư cho thực hiện chính sách xã hội ngày càng lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội… Việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội đã góp phần đem lại niềm tin và sự hài lòng của Nhân dân, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Chỉ số phát triển con người có sự cải thiện vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2021 là 0,703; cải thiện thứ hạng từ vị trí 127/187 năm 2012 lên vị trí 115/191 năm 2021 trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, xác nhận được trên 9,2 triệu người có công và thân nhân, có trên 1,2 triệu người đang hưởng ưu đãi hàng tháng, cơ bản hỗ trợ dứt điểm đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở. Có 339.116 hộ người có công được hỗ trợ, đạt tỷ lệ 96,7% số hộ cần hỗ trợ sau rà soát. 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng; thực hiện tốt quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ.
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng bằng 3,5 lần năm 2010.
[1] Trong 3 năm qua đã nhanh chóng, kịp thời triển khai 4 gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ, với số tiền trên 120 ngàn tỷ đồng và trên 200 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người. (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của CP; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021; Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của TTg).
(2) Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện, trở thành giải pháp cơ bản tạo việc làm bền vững; tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 67%. Công tác giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp quốc thông qua, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; đời sống, thu nhập của người nghèo được cải thiện đáng kể.
(3) Bảo hiểm xã hội (BHXH) từng bước khẳng định vai trò là trụ cột chính của hệ thống ASXH, diện bao phủ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không ngừng được mở rộng, năm 2022, BHXH đạt 38,08% và BHTN đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHXH tự nguyện tạo bước tiến bộ rõ rệt, đạt 1,46 triệu người tham gia.
(4) Chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đã mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng. Số người hưởng TGXH thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,3 triệu người năm 2022 (chiếm 3,5% dân số). TGXH đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt, đã thực hiện rất thành công công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đi đôi với bảo đảm ASXH.
(5) Về đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản:
– Giáo dục tối thiểu: Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển nhanh, phổ cập giáo dục từ cấp mầm non đến trung học cơ sở hoàn thành trước thời hạn; trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp trung học cơ sở đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%.
– Y tế tối thiểu: Đến năm 2022 đã thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân, với độ bao phủ 92% dân số; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 10,8%; tỷ lệ dân số mắc bệnh lao còn khoảng 176/100.000 người (năm 2021).
– Nhà ở tối thiểu: Nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên từng bước được cải thiện.
– Nước sạch: Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó, 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
– Tiếp cận thông tin: Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh xã.
Q.Trang (lược ghi)