06/11/2023 10:24:45

Đào tạo Chương trình 9+ trong trong các cơ sở GDNN:

Cần sớm sát nhập TTGDTX, TTGDNN vào trường cao đẳng

Vừa học văn hóa vừa học nghề (Chương trình trình 9+) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang là xu hướng được nhiều phụ huynh và học sinh sau tốt nghiệp THCS lựa chọn. Tuy nhiên để 9+ trở thành chương trình đào tạo thông thoáng, linh hoạt như chỉ thị và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đề ra thì cần tháo gỡ và hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách.

Bài 1: Mắc kẹt trong các “rào cản” không được tháo gỡ

Cần linh hoạt trong tổ chức học văn hóa cho học sinh 9+

Bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm và GDNN Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, đào tạo chương trình 9+ trong các cơ sở GDNN tại Đắk Lắk đang có nhu cầu rất lớn từ xã hội. Nếu được tháo gỡ các vướng mắc sẽ khơi thông và đạt mục tiêu phân luồng như Chỉ thị 21 “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 4/5/2023 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

Bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm và GDNN Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk.

Theo bà Lý, chương trình đang tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất, là chưa linh hoạt trong việc tổ chức dạy văn hóa cho học sinh hệ 9+ trong các cơ sở GDNN. Cụ thể, TTGDTX thường khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 hàng năm và tổ chức dạy học theo niên chế. Trong khi GDNN tuyển sinh theo năm tài chính, thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Ngày 5 tháng 9 hàng năm các trường phổ thông và TTGDTX trên toàn quốc khai giảng và học sinh bắt đầu năm học mới. Nhiều học sinh sau khi có giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10 nhưng không trúng tuyển vào các trường theo nguyện vọng cá nhân hoặc sau khi cân nhắc mới lựa chọn vào học chương trình 9+ tại các cơ sở GDNN. Sau đó các cơ sở GDNN mới lập danh sách gửi sang TTGDTX để ký kết hợp tác dạy văn hóa THPT chương trình GDTX. Lúc này các TTGDTX đã dừng xét tuyển nên danh sách học sinh do cơ sở GDNN gửi sang không được TTGDTX chấp nhận nữa do đã chậm niên học. Nếu muốn học các em phải chờ đến dịp khai giảng năm sau.

Bà Lý cho rằng việc quản lý chất lượng niên học theo qui định của Bộ GD-ĐT đối với các cấp học phổ thông và GDTX là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên đối với học sinh học hệ 9+ có nhiều đặc thù, đa số các em con nhỏ tuổi, lực học và sức học có giới hạn. Gia đình và các em muốn học trước tiên để có nghề, nếu có nhu cầu và có khả năng học tiếp lên nữa thì học, còn không, cũng đã có bằng nghề để đi làm.

Do đó cần tạo cơ chế linh hoạt để khuyến khích, thúc đẩy nhiều học sinh có nhu cầu học nghề kết hợp học văn hóa được học trong môi trường, thuận lợi về địa điểm, linh hoạt về thời gian học văn hóa, miễn kết quả các môn văn hóa của các em đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, bà Lý cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải xây dựng cơ chế chính sách để đảm bảo quyền được học tập và phát triển của các em trong mọi môi trường.

Áp dụng niên chế cứng nhắc gây thiệt thòi cho học sinh 9+. Với tuổi 14 – 15, một năm các em ở nhà để chờ sang năm được học văn hóa THPT chương trình GDTX chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cho gia đình và xã hội.

Nữ sinh viên khoa Điện Công nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông thực hành bài tập

Bà Lý lấy ví dụ năm học 2023 – 2024, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk có 243 học sinh trúng tuyển lớp 10 đăng ký nhập học chương trình 9+ GDNN. Sau khi nhà trường lập danh sách gửi TTGDTX tỉnh để liên kết giảng dạy thì Trung tâm này không chấp nhận. Lý do là Trung tâm đã khai giảng và năm học mới đã bắt đầu từ mùng 5 tháng 9. Vậy là 243 học sinh này phải chờ đến năm sau mới được nhập học văn hóa.

Bà Lý đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần sớm ngồi lại với nhau để tháo gỡ vướng mắc này, vừa đảm bảo thời gian học tập theo qui định của Bộ GD-ĐT, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh 9+.

Sớm thống nhất sát nhập các TTGDTX, TTGDNN vào các trường cao đẳng

Đồng quan điểm với bà Lý, bà Nguyễn Thị Tường Vy, Phó Phòng Lao động Việc làm và GDNN, Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông kiến nghị, các trường cao đẳng nếu đủ điều kiện trường lớp, phòng thí nghiệm và đủ giáo viên dạy văn hóa cần được tạo cơ chế dạy văn hóa THPT chương trình GDTX tại trường. Điều này vừa tạo thuận lợi cho học sinh, vừa tiết kiệm được cơ sở vật chất, vừa không lãng phí nguồn lực giáo viên trung học phổ thông thuộc biên chế của các trường cao đẳng. Theo Sở GD-ĐT Đắk Nông, trong 5 năm trở lại đây có gần 60% học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp vào các trường cao đẳng, đại học, 40% học nghề và đi làm.

Bà Nguyễn Thị Tương Vy, Phó Phòng Lao động Việc làm và GDNN , Sở LĐ-TBXH Đắk Nông.

Ông Ninh Công Dũng, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm và GDNN, Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông cho biết, theo thông tư 01 của Bộ GD-ĐT, các TTGDTX không phải là cơ sở GDNN, nhưng họ vẫn có chức năng dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Chính điều này đang gây sự chồng chéo với các cơ sở GDNN, khiến cho việc quản lý trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về “Nhóm ngành, nghề đào tạo” quy định tại Điều 10, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Do đó, các địa phương không thể xác định được mức học phí của từng ngành, nghề (theo danh mục mã ngành, nghề tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng) theo mức trần học phí thuộc nhóm ngành, nghề đào tạo của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để chi hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên.

Ông Ninh Công Dũng, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm và GDNN, Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông

Thiết nghĩ để tránh sự chồng chéo, chia cắt, gây khó cho người học nghề hiện nay, nên sát nhập các TTGDTX, GDNN vào các trường cao đẳng để thông nhất việc dạy văn hóa và dạy nghề cho các đối tượng có nhu cầu. Việc quản lý chương trình dạy văn hóa thực hiện theo các qui định của hệ thống giáo dục quốc dân; quản lý chuyên môn về dạy nghề, trình độ nghề theo các qui định của hệ thống GDNN. Tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái GDNN mở, linh hoạt và thông thoáng cho người học.

Nhật Anh