Lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng cho công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản – Theo một nghiên cứu mới công bố của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO về chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được đề cập tại Diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản năm 2023, ngày 5/4. Một sự kiện do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam tổ chức với chủ đề “Tối ưu hóa giao lưu nhân lực – Hướng đến tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen đánh giá, Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn cho lao động Việt Nam, chiếm 25% trong tổng số 1,8 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua lượng kiều hối và trao đổi kỹ năng, với khoảng 3 tỷ USD được gửi dưới dạng kiều hối mỗi năm. “Nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động là ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam và di cư có thể đóng góp vào mục tiêu này”, bà Ingrid Christensen nói.
Mặc dù vậy, lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đang phải chịu mức chi phí khá cao. Như trên, nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê và ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.
Điều này mâu thuẫn với các tiêu chuẩn quốc tế về di cư lao động vốn chỉ ra rằng “không được tính phí tuyển dụng hoặc các chi phí liên quan hoặc người lao động hoặc người tìm việc phải chịu”.
Việc trả phí tuyển dụng cao góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.
“Người lao động có thể phải làm việc từ 7 tháng đến 1 năm để trả nợ chi phí trước khi đi; điều kiện lao động cũng chưa đảm bảo, họ phải chịu đựng mà không thể về nước vì chi phí đã bỏ ra là một gánh nặng”, Giám đốc ILO Việt Nam đề cập.
Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng thực tập sinh tại Nhật Bản
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước(Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản.
Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản). Đây là một kết quả tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian vẫn còn một số tồn tại như một số thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh. Thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới, bị thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định.
Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thiết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động; không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận.
Cũng theo ông Hương, hiện nay, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đông nhất trong số các nước. Tuy nhiên, chi phí mà lao động Việt Nam phải trả để đi làm việc tại Nhật cũng ở mức cao hàng đầu trong số các nước phái cử (gần 200 triệu đồng).
Về vấn đề này, ông Shishido Kenichi, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch JICA cho biết: Vấn đề lớn mà lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện còn cao, không đúng với các quy định. Điều này khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.
“Vào tháng 12/2022, các cơ quan Nhật Bản bắt đầu thảo luận về cơ chế mới, làm sao để người lao động nước ngoài sang Nhật không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững”, ông Shishido Kenichi cho biết.
Tuấn Việt