Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2023 nhu cầu nhân lực tại TP HCM cần khoảng hơn 300 nghìn lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo và tập trung ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Tuy nhiên với yêu cầu người lao động (NLĐ) có kinh nghiệm, tay nghề trong ngành đã làm cho doanh nghiệp (DN) kiếm không ra ứng viên mong muốn.

Cụ thể, 9 ngành dịch vụ chính bao gồm: thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn – khoa học công nghệ; giáo dục – đào tạo; y tế (trong đó yêu cầu có trình độ đại học trở lên chiếm 20,19%; cao đẳng 9,55%; trung cấp 28,64%; sơ cấp 17,4% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,22%).
Trong lúc nhiều doanh nghiệp tại TP HCM cơ cấu lại lao động do gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự thì một số doanh nghiệp ở các tỉnh lại tuyển không ra ứng viên.
Nguyên nhân việc này là do nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại TP phải đóng cửa, giải thể do gồng gánh hoạt động không có kết quả trong thời gian qua hoặc nhà tuyển dụng ưu tiên liên hệ nhân sự cũ đã nghỉ trong thời gian trước hoặc thêm ca thêm công việc cho nhóm nhân sự hiện tại nên chưa có nhiều nhu cầu tuyển dụng mới.
Đây là thời điểm mà lực lượng lao động phổ thông sẽ có những sự chuyển đổi ngành nghề, đặc biệt từ nhóm ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn quán ăn và bán hàng sang các nhóm ngành có tốc độ phục hồi nhanh như công nhân hoặc ngành ít chịu tác động bởi suy thoái kinh tế, thiếu đơn hàng như giao nhận vận tải hàng hoá bằng xe máy hoặc ô tô. Đây là lý do các ứng dụng gọi xe có thêm nhiều người đăng ký chạy.
Thế nhưng, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển lại cao hơn 7-10% so với thời điểm trước Tết. Giải thích cho thay đổi này, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt cho biết, cho biết, thị trường việc làm thời gian này vẫn còn khá cạnh tranh. Để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên, đồng thời, mở rộng phạm vi công việc trên mỗi đầu nhân sự để giảm gánh nặng tuyển dụng và tối ưu hoá quỹ lương.
Được biết, nếu như mọi năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM phải tìm đủ mọi cách để tuyển thêm lao động nhằm bù đắp vào số nghỉ việc thì năm nay tình hình đã đảo chiều. Sự biến động lao động đầu năm tại các DN không lớn, do nhiều đơn vị vẫn còn gặp khó khăn về đơn hàng nên không tuyển mới, thậm chí còn cắt giảm lao động.
Theo khảo sát về thị trường lao động phổ thông sau Tết 2023, chỉ có 53,8% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TPHCM làm việc, hơn 40% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại.
Đây là dịp để người lao động đánh giá lại cơ hội nghề nghiệp ở quê nhà để có cơ hội ở gần gia đình và người thân, nhiều người sẽ thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các Khu công nghiệp mới thành lập những năm gần đây.
Tuy nhiên, sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung nhiều ở một số thành phố lớn, lượng công việc đang có sẵn ở nhiều địa phương dù đã tăng nhưng vẫn khó đáp ứng được hết lượng lao động gia tăng đột biến trong khu vực. Với khả năng không tìm được việc ở quê nhà, nhu cầu quay trở lại của người lao động dự đoán sẽ tăng trở lại ngay sau Tết sau khi nhóm lao động này nghỉ ngơi một thời gian và thử việc tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM), cho biết hằng năm sau Tết Nguyên đán nhà máy bị hụt 10%-15% lao động, do công nhân (CN) chuyển đổi công việc hoặc về quê không quay trở lại.
Để tuyển người, công ty phải về các tỉnh nhờ giới thiệu, thậm chí đưa máy may, vải… về các địa phương để đào tạo tại chỗ nhưng vẫn không tuyển đủ. Tuy nhiên, năm nay tỉ lệ biến động lao động sau Tết khá thấp, chỉ khoảng 1,8%.
“Hiện ngành dệt may đang gặp khó khăn về đơn hàng, các DN cũng hạn chế việc tuyển dụng, do đó người lao động (NLĐ) nhảy việc ít hơn mọi năm. Mặt khác, trong Quý I/2023, lượng đơn hàng của công ty cũng chưa hồi phục hoàn toàn nên DN không có kế hoạch tuyển thêm” – ông Tuấn nói.
Mới đây, hay tin Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm gần 1.200 lao động, Công ty TNHH Vina O’Shoe (KCN Quang Minh, TP Hà Nội) cũng đã liên hệ cơ quan chức năng TP HCM kết nối để tuyển số lao động này. Đại diện công ty cho hay DN nhận được nhiều đơn hàng nên mở rộng quy mô sản xuất và cần tuyển thêm số lượng lớn lao động. Thời gian qua, công ty liên tục tuyển lao động nhưng tuyển được khá ít. Cụ thể, DN sẵn sàng mong muốn kết nối với những lao động bị mất việc tại TP HCM, kể cả những lao động không thường trú ở miền Bắc. Ngoài mức lương trung bình từ 7-12 triệu đồng/tháng, công ty sẽ hỗ trợ chỗ ở và bảo đảm đầy đủ các chế độ cho NLĐ.
Lý giải cho việc trên, đại diện Công ty TNHH Vina O’Shoe cho biết hiện NLĐ có xu hướng tìm việc tại tỉnh nhà. Còn tại TP Hà Nội rất ít lao động phải nghỉ việc do giảm đơn hàng như ở TP HCM nên nguồn tuyển lao động cũng hạn chế. Bên cạnh đó, ngoài lao động phổ thông làm việc giản đơn, công ty rất cần NLĐ có kinh nghiệm, tay nghề trong ngành sản xuất giày da nhưng kiếm không ra người.
Nhằm hỗ trợ NLĐ tìm việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Sở Lao động TP sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động, trong đó chú trọng việc kết nối lao động ở các tỉnh đến thành phố để tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM sẽ tổ chức chương trình tiếp sức người lao động, kết nối với các tỉnh Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum,…để hỗ trợ người tìm việc đến thành phố. Ngoài ra, sẽ có nhiều phiên, sàn trực tuyến do Trung tâm dịch vụ làm thành phố tổ chức để doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động trong Quý 1 và 2/ 2023.
Quang Trung