01/02/2021 5:57:07

Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm hối hả vào vụ

Với quan niệm về tín ngưỡng dân gian xưa, hằng năm, vào dịp Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), Táo quân cưỡi cá chép đỏ lên báo cáo Ngọc Hoàng. Chính vì thế, vào những ngày này, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả vào vụ.

Để có nguồn cá cung cấp cho thị trường, các hộ trong làng bắt đầu ươm cá từ tháng 6, tháng 7 âm lịch. Nuôi 5-6 tháng rồi xuất bán đi thị trường khắp các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa,… Ngay từ tháng 11 âm lịch, các thương lái, khách quen đều đã liên hệ chốt số lượng cá, đặt cọc tiền trước.

Đặc biệt, cá chép vùng này có màu đỏ cờ sặc sỡ, khỏe mạnh, mỗi con to bằng khoảng 3 ngón tay vừa đẹp nên được nhiều thương lái về tận nơi tìm mua phục vụ khách hàng khó tính. Cá chép đỏ làng Thủy Trầm được lái buôn nhận xét là có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.

Tùy từng thời điểm mà giá cá chép đỏ lên xuống khác nhau. Ông Bùi Văn Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho biết: ” So với năm ngoái, cá chép đỏ Thủy Trầm năm nay tăng giá gần gấp đôi, với giá từ 120 – 150 ngàn đồng/kg, nguyên nhân là do ao của một số hộ bị lụt tràn bờ nên một số lượng cá bị thất thoát, trong khi đó nhu cầu thu mua của thương lái tăng cao”. Hiện nay, toàn xã Tuy Lộc có 244 hộ nuôi cá chép đỏ; sử dụng trên 1.000 lao động tại chỗ và cung cấp ra thị trường khoảng 40- 50 tấn cá mỗi năm. Thu nhập bình quân của những hộ nuôi cá trong làng cũng khoảng vài chục triệu đồng/năm.

Anh Trần Văn Tiếp, (SN 1983) cho biết, anh nối nghiệp nghề nuôi cá chép đỏ từ cha truyền lại và đến nay đã có 20 năm làm nghề. Thu nhập từ nuôi cá cao gấp 2,3 lần so với trồng lúa trong khi công việc đơn giản hơn. Hiện nay, cá trong ao nhà anh đã được các thương lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đặt cọc hết hàng với giá 150 nghìn đồng/kg.

Theo ông Hà Công Kỷ (71 tuổi), ngoài nuôi cá chép đỏ cung cấp cho thị trường dịp Tết ông Công, ông Táo, ông còn giành 2 sào ao để nuôi cá chép đỏ bố mẹ, cung cấp giống cho các hộ khác.

 Cá chép đỏ không chỉ mang đến cho người dân làng Thủy Trầm cơ hội phát triển kinh tế địa phương, mà còn giúp cho đời sống, văn hóa của bà con tốt lên rõ rệt. Bên cạnh cánh đồng là những ngôi nhà cao tầng to đẹp, mọc sát nhau.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 của thế kỷ XX, được lưu truyền, phát triển cho đến bây giờ và đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Hiện nay, nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ là mục đích kinh tế mà còn là nét văn hóa truyền thống của làng. Ngày 30/10/2018 làng  được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận: Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm xã Tuy Lộc, ông Bùi Công Chữ chia sẻ./.

Lưu Hồng Sơn