08/10/2020 2:33:14

Làm sao để dẹp nạn câu view phản cảm của Youtuber Việt?

Từ những ngày đầu khi YouTube mở cửa kiếm tiền, người Việt đã biết cách làm sao để kiếm tiền chóng vánh qua mặt nền tảng này.

Ngày 7/10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với anh Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, SN 1992, ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, Bắc Giang – con trai bà Tân Vlog) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trước đó, ngày 3/10, anh Hưng đăng tải trên tài khoản Youtube Hưng Vlog video clip “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu, Hưng bị xử phạt. Trước đó, ngày 10/9, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang cũng đã xử phạt hành chính Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng vì đã đăng tải video clip trên tài khoản mạng xã hội Youtube Hưng Vlog với tựa đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.

Việc xử phạt YouTuber này nhận được sự đồng tình của nhiều người. Tuy nhiên, không ít cá nhân cũng đặt câu hỏi rằng liệu cơ quan chức năng có hành động quá muộn màng.

Trước Hưng Vlog, có nhan nhản những kênh YouTube khác dùng chiêu trò tương tự, gọi là trào lưu chơi khăm (prank) hoặc thử thách làm gì đó (challenge), bắt chước từ nước ngoài.

Và nói về độ chơi khăm, không ai có thể qua mặt được kênh NTN Vlogs của Nguyễn Thành Nam. YouTuber sinh năm 1994 này từng bị triệu tập vì làm clip đóng giả nhóm khủng bố IS quăng bom hồi năm 2016.

Sau đó, Nguyễn Thành Nam tiếp tục làm các clip nguy hiểm khác như ‘Thử thách trèo lên cột điện 100m’, ‘Thả 100 con dao từ trên cao xuống’ hoặc các clip cổ súy lãng phí như ‘Đốt hàng trăm nghìn que diêm’, sử dụng hàng nghìn ống hút bị người xem chỉ trích dữ dội vì không đem lại giá trị gì cả.

Dù bị YouTube cảnh cáo bằng việc tắt kiếm tiền nhiều lần nhưng Nguyễn Thành Nam vẫn kháng cáo thành công. Và cứ mỗi lần tuyên bố nghỉ làm YouTube rồi quay trở lại (vì đã được bật kiếm tiền trở lại), NTN Vlogs lại cho ra đời những video táo tợn, bất chấp tất cả để câu view mạnh mẽ hơn dù người xem vẫn phản đối gay gắt.

Ngày nay, để bật kiếm tiền trên YouTube, người dùng chỉ cần 1.000 subs và tổng 4.000 giờ xem video trong 12 tháng trước. Sự dễ dãi này khiến cho các YouTuber làm đủ mọi cách để kiếm tiền, bắt chước những trò nguy hại nói trên thay vì đầu tư công sức làm các video chất lượng.

Nghịch lý là, sau một thời gian làm có thể bị tắt kiếm tiền, các YouTuber lại lao đầu vào lập kênh mới và xây dựng nội dung miễn phí cho YouTube. Một vòng luẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại bởi YouTube chỉ tắt kiếm tiền chứ hiếm khi xóa những video phản cảm dạng này.

Tất nhiên, video phải có nhiều người xem mới kích thích người làm nội dung YouTube. Điều này có một phần không nhỏ lỗi đến từ sự dễ dãi của người xem tại Việt Nam, bao gồm cả việc những bậc phụ huynh dễ dàng cho con nhỏ xem YouTube trên điện thoại của mình. Đồng nghĩa với giới hạn độ tuổi như các video của NTN Vlogs nói trên là vô nghĩa, khi người dùng cuối thực chất là trẻ em đang dùng tài khoản của người lớn.

Tiến sĩ tâm lý Hoàng Oanh cho biết: “Việc hiện nay nhiều người làm video đăng tải lên YouTube với nội dung phản cảm xuất phát điểm từ câu chuyện muốn câu view thu hút. Ngoài ra, họ đánh vào tâm lý người xem thích cái gì đó độc lạ, đi ngược với những clip trước đây. Bên cạnh đó, với sức cạnh tranh của hàng loạt YouTuber hiện nay, thì họ phải tìm cách ngoi lên bằng những clip phản cảm.

Nguyễn Thành Nam (NTN Vlogs) phải tuyên bố ngừng hoạt động kênh YouTube do bị khán giả tẩy chay

Để hạn chế tình trạng này cần phải mạnh tay hơn trong việc xử lí vi phạm, có thể phạt hành chính thật nặng, thậm chí là xóa kênh vĩnh viễn nếu nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vai trò của bố mẹ, phụ huynh rất quan trọng, cần định hướng con cái xem những video tốt, tránh sa vào những video thiếu chuẩn mực ”.

Trao đổi với báo chí, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần phải mạnh tay hơn nữa đối với các chủ tài khoản mạng xã hội coi thường pháp luật, đưa các thông tin nhảm nhí lên mạng xã hội.

Luật sư Cường cho rằng, không gian mạng là một hệ sinh thái mà người dùng có thể thoải mái sáng tạo và phát triển nội dung. Bởi vậy, trên không gian này cũng đòi hỏi một nền văn hóa tương xứng để phát triển xã hội.

Tuy nhiên việc truyền tải, xây dựng nội dung phải phù hợp quy định pháp luật, không thể chỉ vì “câu view”, “câu like”, gây sốc mà hành động tùy tiện, gây phản cảm, mất thuần phong mỹ tục dân tộc, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, văn hóa, đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, trong khi chờ một biện pháp quyết liệt hơn từ phía những công ty công nghệ hay nhà quản lý mạng xã hội thì mỗi người dùng cần tự bảo vệ mình khỏi những nội dung độc hại, phản cảm từ không gian mạng. Các gia đình có trẻ em nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó.

Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội.

PV (T/h)