Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 là điểm nhấn quan trọng, tạo cú huých trong thực hiện chương trình chuyển đổi số chuẩn bị nguồn nhân lực số cho phát triển kinh tế. Đây là nội dung được ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Phó Trưởng Ban tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia 2021 chia sẻ tại Họp báo thông tin về Kỳ thi diễn ra chiều 2/12.
Kỳ thi chưa có tiền lệ với “siêu máy tính”
Với chủ đề “nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 chính thức diễn ra từ ngày 02/12-12/12/2021.
Để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, trước mắt Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến (do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long chủ trì) và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chủ trì). Trong đó đợt 1, thi từ ngày 2 – 5/12/2021 với 5 nghề trực tuyến, đợt 2 diễn ra từ ngày 7-9/12/2021 với 6 nghề trực tuyến còn lại và 3 nghề thi trực tiếp.
130 thí sinh sẽ so tài tại 11 nghề theo hình thức thi trực tuyến (gồm các nghề: Công nghệ web, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, robot di động, thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD, công nghiệp 4.0, lắp cáp mạng thông tin, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng di động, thiết kế thời trang kỹ thuật số).
47 thí sinh tham gia dự thi 3 nghề trực tiếp, gồm: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò, kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò.
Thí sinh tham dự thi trực tuyến phải đăng nhập vào hệ thống Website quản lý thí sinh dự thi và hoàn tất các thủ tục đăng ký thi trực tuyến trước ngày làm quen thiết bị và đăng nhập vào phòng thi trực tuyến ít nhất là 30 phút trước mỗi buổi thi.
Mỗi thí sinh có 1 tài khoản riêng, đăng nhập hệ thống nhận bằng dạng khuôn mặt để thực hiện thi trên máy tính. Thí sinh được làm bài trực tiếp trên máy tính của mình và máy này được kết nối với máy chủ và được giám sát màn hình thông qua hệ thống giám sát của Ban Tổ chứ, Hội đồng thi và chuyên gia giám khảo. Trong quá trình thi, thí sinh và giám khảo tương tác qua phòng họp trực tuyến.
Các nghề thi theo hình thức trực tuyến sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, điện toán đám mây, dự liệu lớn (big data) hoặc ứng dụng công nghệ mới khác đảm bảo sự kết nối và an toàn, an ninh dữ liệu thông qua kết nối máy tính với mạng internet dưới sự điều khiển của máy tính và ứng dụng các khoa học công nghệ số khác. Nhờ đó, các thí sinh dự thi có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị và cấu hình máy tham gia thi là như nhau; các yêu cầu, nhất là các giá trị cốt lõi của Kỳ thi thông qua việc kết nối và an toàn dữ liệu đường truyền.
Lần đầu tiên siêu máy tính được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất cao, bộ chip đời mới nhất, dung lượng, đường truyền lớn, nhanh để thí sinh có thể làm bài với một khoảng thời gian rất lớn, thậm chí có những bài thi kéo dài tới 18 tiếng. Quá trình thi, giám sát, đánh giá, chấm điểm sẽ được xử lý bởi công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn… – những giải pháp chỉ có siêu máy tính mới đảm bảo được.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, thi trực tuyến là đột phá của kỹ năng nghề Việt Nam, một cuộc chuyển đổi số trong GDNN, đánh giá kỹ năng nghề, thi tay nghề của Việt Nam theo hướng chuyển đổi mà các kỳ kỹ năng nghề quốc tế và nhiều công ty toàn cầu đang hướng tới.
Kỳ thi cũng điểm nhấn quan trọng tạo cú huých trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, theo đó thực hiện mục tiêu đến 2030 là Chính phủ số, xã hội số, doanh nghiệp số, công dân số, nhân lực số…
Đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng nghề của người lao động còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Sẵn sàng tốt nhất cho Kỳ thi
Thông tin đến báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 được tổ chức sau nhiều lần trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là một nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức, các đơn vị đăng cai và đặc biệt là từ chính các thí sinh.
“Diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Kỳ thi vẫn phải đảm bảo mục tiêu cao nhất là chất lượng, minh bạch, công bằng và góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động”, bà Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định.
Đại diện Hội đồng thi quốc gia số 5, ông Ngô Xuân Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Than – Khoáng sản Việt Nam, cho biết, các nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Đây là 3 nghề dành cho người lao động làm việc trực tiếp trong mỏ hầm lò. Các thí sinh dự thi đa dạng về công việc đang thực hiện, vị trí việc làm đang thực hiện. Với công nhân của các doanh nghiệp, có 6 công ty tham gia. Các công nhân tham dự kỳ thi được lựa chọn từ các công nhân đạt thợ giỏi xuất sắc của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam trong Hội thi thợ giỏi 2020.
Đơn vị đăng cai đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để thí sinh tham dự Kỳ thi đạt kết quả cao nhất cũng như đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh Quảng Ninh đã cử cán bộ nghiệp vụ cùng tham gia giám sát để đảm bảo Kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan…
Tại Hội đồng thi quốc gia số 1, ông Lê Hồng Kỳ, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, nhiều năm qua, Nhà trường đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm phục vụ công tác đánh giá kỹ năng nghề cho hầu hết các nghề. Khi đăng cai tổ chức Kỳ thi, chỉ cần nâng cấp, đầu tư thêm để đáp ứng yêu cầu của một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia.
Theo các Hội đồng thi, đến thời điểm hiện tại, Kỳ thi đang diễn ra suôn sẻ, thuận lợi…
Thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi là 49 tuổi
Điểm mới của Kỳ thi là mở rộng đối tượng tham gia đến người lao động, người học, có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề) đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, GDNN, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, Sở LĐTBXH, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội. Hiện qua đăng ký, thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi sinh năm 1972 (49 tuổi), thí sinh nhỏ tuổi nhất sinh năm 2005 (16 tuổi).
Theo ông Nguyễn Chí Trường, trong xu thế chung của thế giới về “chuyển đổi từ giáo dục đào tạo một lần dùng cả đời sang học tập suốt đời và đánh giá công nhận trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề”, không phải chỉ có người học mới có thể tham dự kỳ thi để khẳng định trình độ kỹ năng nghề của mình. Bất kể người lao động nào muốn thích nghi với quá trình số hóa, công nghiệp 4.0, học tập suốt đời đều có thể tham dự kỳ thi.
Đề thi kỳ năng nghề quốc gia sẽ được cập nhật các kỹ năng, công nghệ đỉnh cao, tiên tiến nhất. Độ khó, độ phức tạp của đề thi không khác gì với đề thi khu vực Asean và Thế giới. Người lao động sẽ có cơ hội trải nghiệm, cập nhật những kỹ năng mới nhất của tay nghề thế giới.
Hải An