01/12/2023 3:45:02

Kon Tum: Giá cà phê đạt đỉnh, nông dân phấn khởi mùa thu hoạch

Hiện nay, nông dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đang thu hoạch vụ cà phê năm 2023. Mặc dù giá cà phê đang ở mức khá cao so với năm trước, nhưng niềm vui của người dân chưa được trọn vẹn khi sản lượng cà phê sụt giảm.

Cà phê được giá nhưng sản lượng không được như ý

Mặc dù giá cả tăng cao, nhưng nhiều người dân cho biết, năm nay năng suất cà phê lại sụt giảm hơn so với mọi năm. Vì thế, niềm vui của người trồng cà phê không thực sự trọn vẹn.

Niên vụ trước, vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Đình Kiên (ngụ xã Đăk Mar, Đăk Hà, Kon Tum) thu được khoảng 15 tấn nhưng năm nay dự tính chỉ thu hơn 12 tấn. Năm nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã giảm nhiều nên chi phí đầu tư có giảm bớt phần nào. Bên cạnh đó, nông dân trồng cà phê thuận tiện trong việc thuê nhân công và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ.

Mỗi năm bước vào mùa vụ, anh Kiên thường thuê từ 5 đến 8 nhân công, thu hoạch kéo dài gần một tuần. Những năm trước do dịch bệnh, việc thuê nhân công gặp khó khăn. Tuy nhiên hai năm qua, bắt đầu từ tháng 11, nhiều lao động đổ lên Tây Nguyên nên việc tìm người thu hoạch dễ dàng hơn.

Giá thuê nhân công năm nay cũng như năm ngoái, đa số người dân nhận hái khoán từ 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/1 tấn cà phê tươi đóng bao. Dù sản lượng không được như ý, nhưng chi phí đầu tư giảm và giá cà phê tăng hơn so với năm trước phần nào giúp người nông dân bớt khó khăn, có nguồn vốn tái đầu tư đối với loại cây trồng này.

Theo bà con nông dân, năng suất cà phê vụ 2023 đạt mức trung bình, nhưng bà con rất phấn khởi do giá cà phê tăng cao.

Đang tất tả cùng người thân thu hoạch vườn cà phê rộng hơn 1 ha đã chín rộ, anh Nguyễn Văn Thành ở xã Đăk Mar, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Hơn chục năm trồng cà phê, chưa khi nào anh chứng kiến giá cà phê “đạt đỉnh” như năm nay.

Giá thu mua cà phê tươi hiện nay dao động khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg cao hơn so với 9.000 đồng/kg năm ngoái. Nếu như vụ cà phê năm ngoái gia đình anh chỉ bán được dao động từ 37.000- 43.000 đồng/kg cà phê, năm nay mới đầu mùa gia đình anh đã bán được giá 58.000 -59.000 đồng/kg.

Điều đáng vui mừng hơn là năm nay vườn cà phê của gia đình anh cũng trúng mùa, dự kiến thu về hơn 2 tấn, với giá bán như hiện nay sau khi trừ chi phí dự kiến thu về hơn 100 triệu tiền lãi. Nói chung là so với mấy năm trước, giá cà phê năm nay được giá khiến người dân làm nông chúng tôi rất là mừng, phấn khởi”.

Lau nhanh giọt mồ hôi trên mặt nhưng tay vẫn thoăn thoắt tuốt cà phê, chị Trần Thị Hoa nói: “Những năm trở về trước cây cà phê không có giá nên gia đình đã chặt để chuyển đổi sang trồng cây tiêu, khoai môn,… Tuy nhiên, sau một thời gian cây tiêu mất giá nên gia đình tôi lại quay lại trồng cây cà phê”.

“Sau thời gian chuyển qua nhiều loại cây trồng khác, nhận thấy cây cà phê vẫn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí phân thuốc lại không nhiều, thu hoạch cũng không quá cực như thu hoạch tiêu, nếu giá bán ổn định như hiện nay, nông dân sẽ không phải chật vật khi trồng loại cây này”, chị Hoa nhận định.

Hàng trăm lao động “ngược ngàn” lên đây để hái cà phê thuê

Huyện Đăk Hà được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê của tỉnh Kon Tum với tổng diện tích hơn 12.000 ha, như mọi năm, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, hàng trăm lao động từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…lại “ngược ngàn” lên đây để hái cà phê thuê. Sự có mặt của nhóm công nhân này không chỉ giúp cho các chủ vườn cà phê nhanh chóng thu hoạch thành quả mà còn tạo nên không khí rộn ràng ở núi rừng Tây Nguyên.

Sau khi tuốt cà phê xuống tấm bạt, người dân nhặt lá, rác sạch sẽ để đóng bao. Trung bình một người hái được 200kg/ ngày.

Năm 2022, Tây Nguyên có hơn 600.000 ha cà phê, chiếm gần 90% diện tích cà phê cả nước, cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê, nhu cầu thuê người hái rất lớn. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kon Tum, khi bước vào vụ mùa, ngoài nhân công tại chỗ, hơn 4.000 lao động nhiều tỉnh lân cận, chủ yếu từ Quảng Ngãi lên địa bàn hái cà phê thuê, riêng huyện Đăk Hà có hơn 2.400 người.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, và mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. Thời gian qua, ngành chức năng địa phương tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền việc tái canh vườn cà phê già cỗi, thay bằng giống mới năng suất cao hơn, tăng thu nhập cao hơn. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, cơ quan chức năng địa phương thường xuyên khuyến cáo người dân nên thu hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao, hạn chế đến mức tối đa tình trạng thu hái cà phê xanh.

Quang Trung