“Qua các kỳ thi kỹ năng nghề, bên cạnh việc lựa chọn tài năng, chúng ta tạo được “sân chơi”, một bầu không khí thi đua sôi nổi trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện kỹ năng tại các nhà trường, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với phương châm “Nguồn nhân lực lao động kỹ năng luôn luôn sáng tạo, không ngừng cập nhật kiến thức và đổi mới công nghệ”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lễ Tấn Dũng phát biểu tại Lễ công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và khai mạc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 diễn ra sáng 4/10. Chương trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng nhiều đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện các đoàn dự thi… đã về dự buổi lễ.
Kỳ thi có nhiều đổi mới quan trọng
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm nay với chủ đề Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng lao động có nhiều điểm mới, gắn với việc triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Kỳ thi diễn ra trong năm lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đón nhận một sự kiện quan trọng, đó là Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10) vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đây cũng là kỳ thi có số nghề tham dự thi quốc gia nhiều nhất với 34 nghề, trong đó có 31 nghề thi chính thức và 3 nghề thi trình diễn. Đặc biệt có 7 nghề lần đầu tiên được tổ chức thi là: Phay CNC, Tiện CNC, Dịch vụ lễ tân, Chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội; Điều khiển công nghiệp (nghề trình diễn), Thiết kế thời trang kỹ thuật số (nghề trình diễn) và Công nghệ nước (nghề trình diễn).
Kỳ thi năm nay cũng là Kỳ thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 49 đoàn và gần 500 thí sinh tham gia dự thi, được tổ chức tại 5 Hội đồng thi và 6 trường đăng cai.
Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức thi Kỹ năng nghề quốc gia với thời gian thi nhiều nhất từ trước đến nay, nhằm tiệm cận gần hơn với Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới. Đây còn là năm đầu tiên có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp vào thành phần Ban tổ chức Kỳ thi để chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi.
Thông qua việc tổ chức Kỳ thi nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có Kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, thế giới; thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới.
Tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó góp phần nâng tầm kỹ năng lao động trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc tổ chức Kỳ thi cũng góp phần tăng cường hợp tác giữa các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng; thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp gắn với ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ và gắn với việc chuẩn hóa chất lượng lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Kỳ thi còn nhằm tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13, Kỹ thi tay nghề thế giới lần thứ 46 năm 2021, thông qua đó tăng cường hội nhập quốc tế về phát triển kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp.
Chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi
Để Kỳ thi diễn ra thành công, đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra, tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng yêu cầu Ban tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo các Hội đồng thi quốc gia, các trường đăng cai huy động nhân sự, bố trí các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức thi tốt nhất, thuận lợi nhất; giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh để Kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả tốt nhất.
“Ban tổ chức kỳ thi phải đảm bảo các yêu cầu và chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng yêu cầu Ban Giám khảo phải thể hiện tinh thần cao thượng, công tâm, khách quan, công bằng, chính xác trong giá kết quả, tạo niềm tin cho các đoàn dự thi cũng như sự thoải mái của các thí sinh.
Đối với các thí sinh – trung tâm của Kỳ thi, Thứ trưởng nhắn nhủ cần nỗ lực, phấn đấu hết sức để hoàn thành tốt nhất bài thi của mình.
Thứ trưởng cũng đề nghị các trưởng đoàn tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi nhất, kịp thời quan tâm động viên thí sinh trong thời gian trước, trong và sau Kỳ thi.
Tại buổi lễ, đại diện cho 491 tham gia Kỳ thi, thí sinh Đoàn Ngọc Ánh đã tuyên thệ sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của Kỳ thi, thực hiện theo các quy tắc ứng xử đạo đức, bảo đảm tính trung thực, an toàn, sáng tạo.
Đại diện chuyên gia cũng tuyên thệ sẽ thực hiện đúng quy chế thi, quy định về sức khỏe, an toàn kỳ thi, thực hiện đúng các nguyên tắc đạo đức ứng xử đảm bảo giá trị cốt lõi của kỳ thi, trong sáng, minh bạch, khách quan, sáng tạo, hợp tác, hội nhập.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới tại Lễ công bố. Ảnh: Anh Tuấn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới tại Lễ công bố. Ảnh: Anh Tuấn
Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các thí sinh có thành tích xuất sắc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 12 và Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019.
Công bố quyết định của Thủ tướng về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã công bố Quyết định số 1468/QĐ-TTg về việc chọn ngày 4/10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Như vậy, năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam có Ngày Kỹ năng lao động và sẽ tổ chức hàng năm. Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cùng với các giải pháp tổng thể khác, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10” sẽ là động lực quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bền vững trong thời gian tới. Thông qua “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” cũng là dịp để khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. Đồng thời thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức sự kiện “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”… |
Hải An