10/10/2022 4:33:11

Khai mạc Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7 năm 2022

Sáng 10/10, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 7- 2022, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức đã chính thức khai mạc tại đơn vị đăng cai, trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu ( tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).

Hội thi quy tụ 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc 57 tỉnh, thành phố tham dự. Đây là hội thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cả về số lượng đoàn tham dự, cũng như số lượng các công trình, thiết bị đào tạo tự làm của các nhà giáo trong lĩnh vực GDNN.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo tự làm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở GDNN. Nếu chúng ta làm tốt công tác này, hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ sử dụng tại trường mình mà còn có thể cung cấp cho nhiều cơ sở GDNN khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho GDNN.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thực tế, qua các kỳ tổ chức hội thi trước đây đã cho thấy lợi ích to lớn, hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của việc tự sản xuất thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN. Nhiều thiết bị tự làm đáp ứng tốt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo và được sử dụng tối đa trong quá trình dạy học của các trường”.

Theo ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, hội thi thể hiện sự đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà giáo trong công tác giảng dạy. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi tới lĩnh vực GDNN.

Thành tựu khoa học, công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ làm thay đổi phương tiện, cộng cụ, cũng như phương thức tương tác trong dạy và học. Do vậy, ngoài vai trò của người thầy, thiết bị đào tạo cũng là yếu tố quan trọng giúp quá trình giảng dạy và học được trực quan sinh động, từ đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh: “Hội thi thể hiện sự đổi mới, sáng tạo không ngừng của các nhà giáo trong công tác giảng dạy”.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thiết bị trong công việc đảm bảo chất lượng đào tạo, theo định kỳ 3 năm/lần, Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc được tổ chức nhằm khuyến khích các cơ sở GDNN trong cả nước tham gia, tạo nên phong trào nghiên cứu sâu rộng, từ đó thiết kế, chế tạo, cải tiến thiết bị đào tạo, phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng GDNN, bắt nhịp với xu hướng phát triển của công nghệ. Hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và là phong trào thi đua sáng tạo ở nhiều cơ sở GDNN trong cả nước.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp, từ cấp cơ sở trường đến tỉnh và toàn quốc đã khơi dậy, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN trong thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo phục vụ cho công tác giảng dạy. Từ đó, nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng GDNN.

Qua hội thi, các cơ sở GDNN cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tự làm có chất lượng cao, phù hợp với chương trình đào tạo và điều kiện thực tế của cơ sở, tiết kiệm chi phí đào tạo.

Hội thi diễn ra từ ngày 10 đến 14 tháng 10. Sau Hội thi, các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong các cơ sở GDNN, góp phần hạn chế sự thiếu hụt thiết bị trong giảng dạy và học tập.

Thiết bị đào tạo tự làm tập trung ở các nghề: Điện tử dân dụng; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Hàn; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin; Y tế; Xử lý nước thải; nuôi trồng thủy sản; Thú y; Kỹ thuật xây dựng; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Sản xuất chế biến…

Một số hình ảnh thiết bị đào tạo tự làm tham dự Hội thi:

Các thiết bị đào tạo tự làm tham dự tại hội thi này được chia ra theo 4 nhóm. Cụ thể:

+ Nhóm Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông với: 177 thiết bị chiếm 46%;

+ Nhóm Công nghệ Kỹ thuật cơ khí: 98 thiết bị chiếm 26%;

+ Nhóm nghề Máy tính và Công nghệ thông tin: 30 thiết bị chiếm 8%;

+ Nhóm tổng hợp 76 thiết bị, chiếm 20% (gồm các thiết bị của các nghề: Y tế; Xử lý nước thải; nuôi trồng thủy sản; Thú y; Kỹ thuật xây dựng; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Sản xuất chế biến …).

 

Thu Thủy