Chiều tối 6/1/2024, “Không gian văn hóa dừa” do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Bến Tre thực hiện đã khai mạc tại sảnh Nhà hát TP. HCM. Tại đây, khách tham quan được trải nghiệm thú vị khi được nghe hát sắc bùa Phú Lễ – loại hình diễn xướng dân gian của người dân Bến Tre và các loại hình nghệ thuật, sản phẩm mang đậm nét văn hoá của xứ dừa,…
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện quảng bá hình ảnh về tỉnh Bến Tre (biểu diễn nghệ thuật Ân nghĩa quê dừa – Khát vọng vươn xa, diễn ra trong hai ngày 6 và 7/1/2024). Hoạt động do Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM, Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM, Câu lạc bộ Nhà báo đồng hương Bến Tre tại TP.HCM phối hợp cùng với Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi.
Theo đó, “Không gian văn hóa dừa” là khu trưng bày sản phẩm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bến Tre tại TPHCM. Những người con Bến Tre mang đến một không gian bày trí đặc sắc mang đậm nét văn hóa xứ dừa trước Nhà hát Thành phố, cùng với những tiết mục biểu diễn như đờn ca tài tử, văn nghệ “Bến Tre – Hiếu khách nghĩa tình”, nghệ nhân hướng dẫn làm bánh tráng và cho khách nướng dùng tại chỗ, xếp lá dừa, vẽ tranh phác họa chân dung cho khách tham quan…
Khán giả như được dạo một vòng quê hương xứ dừa Bến Tre qua những giai điệu ngọt ngào của các ca khúc quen thuộc như: Dáng đứng Bến Tre, Dòng sông quê hương, Em là con gái Bến Tre, Sức sống Bến Tre, Hương tình Bến Tre,… và ca khúc mới sáng tác nhân đợt hoạt động này mang tên Khát vọng Bến Tre.
Đặc biệt khán giả được thưởng thức hát sắc bùa Phú Lễ, đây là một trong sáu loại hình diễn xướng dân gian của người dân Bến Tre, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Hát sắc bùa Phú Lễ thường chỉ diễn ra dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, còn có những món quà lưu niệm, những chữ Thư pháp trên chất liệu dừa, tre – những chất liệu đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn Bến Tre. Người dân có thể chiêm ngưỡng bộ nhạc cụ được làm từ thân cây dừa và các phế phẩm của cây dừa như: vỏ dừa, gáo dừa, mo nang… của nghệ nhân Võ Văn Bá. Ông bắt đầu chế tác bộ nhạc cụ bằng dừa từ năm 2011. Hiện nay, ông đã chế tạo hơn 200 nhạc cụ làm từ dừa gồm đàn cò, đàn tranh, đàn kìm, ghita phím lõm… Tại “Không gian văn hóa dừa” ông trưng bày chiếc đờn cò loại đại được làm từ gỗ dừa trên 80 năm tuổi. Chiếc đờn này cao 2,65m, dài 1,03m và kích thước mặt đàn là 0,63m.
Ngoài ra, bên trong không gian trưng bày còn có một số sản phẩm, đặc sản từ dừa như thủ công mỹ nghệ, tranh gáo dừa, trang sức, bánh tráng dừa, kẹo, mứt dừa, nước dừa tươi đóng hộp.
Bến Tre – vùng đất ba dãy cù lao, cây lành trái ngọt, mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước miệt vườn. Người dân xứ dừa hiền hòa, luôn thân thiện mến khách, phóng khoáng, nghĩa tình. Chính vì thế mà lời ca tiếng đờn của những nghệ nhân tài tử càng thêm ngọt ngào sâu lắng.
Được biết, từ khi có chủ trương tổ chức chương trình Ân nghĩa quê dừa, khát vọng vươn xa, BTC không chỉ hướng đến việc quảng bá hình ảnh văn hóa của Bến Tre mà còn vận động các nguồn tài trợ để chăm lo đời sống của người dân lao động khó khăn tại tỉnh nhà; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương; tổ chức các đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo; xây dựng và sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn… Tổng số tiền thực hiện hơn 150 tỉ đồng.
Quang Trung