15/09/2020 11:50:46

Huawei bị thiệt hại ra sao nếu thiếu công nghệ Mỹ?

Từ hôm nay, tất cả các nhà cung ứng không phải của Mỹ trên toàn cầu sẽ phải ngừng giao hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Điều này đã và đang “bóp chết” nhà sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone số một toàn cầu.

Kể từ hôm nay, tất cả các nhà cung ứng không phải của Mỹ trên toàn cầu sẽ phải ngừng giao hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Quy định này khiến cho hàng chục đối tác cung ứng của Huawei, trong đó có những cái tên như MediaTek (SoC), Sony (cảm biến máy ảnh), Samsung và SK Hynix (chip nhớ)… phải xin giấy phép từ Mỹ nếu muốn tiếp tục làm ăn với Huawei. Đây sẽ là trở ngại rất lớn, có thể khiến mảng sản phẩm của Huawei không còn lối thoát.

Tất cả linh kiện quan trọng nhất với Huawei đều chịu ảnh hưởng: từ con chip đến màn hình, ống kính máy ảnh, bảng mạch. Công ty Trung Quốc bắt đầu dự trữ mọi loại chip từ cuối năm 2018 song không rõ họ có làm như vậy với các bộ phận khác như màn hình hay ống kính hay không.

Wu Chia Chau, Chủ tịch Nanya Technology, chia sẻ: “Thiết bị điện tử rất phức tạp. Thiếu bất kỳ linh kiện nào, bạn không thể lắp ráp thiết bị hoàn chỉnh: smartphone, laptop hay trạm gốc”.

Su Tze-yun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bảo mật và Quốc phòng quốc gia Đài Loan, một chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho rằng Huawei có thể tìm tới một số linh kiện thay thế cấp thấp. Song, điều đó khiến sản phẩm Huawei kém hấp dẫn hơn nhiều, thậm chí về lại 10 năm trước.

Đây thực sự là tin buồn cho Huawei, phần mềm, tài sản trí tuệ, các công cụ thiết kế chip và vật liệu của Mỹ được mọi công ty sử dụng, dù là Qualcomm, Samsung, MediaTek hay Sony. Do vậy, Huawei gần như không có lựa chọn nào để có thể mua được những loại chip quan trọng.

Sự thống trị của Mỹ là lý do Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong hành trình “giảm phụ thuộc Mỹ” ở ngành công nghệ. Nước này cũng có những công ty gia công như SMIC hay sản xuất chip nhớ như Yangtze Memory Technologies, nhưng họ đều phải sử dụng các linh kiện, phần mềm và vật liệu của Mỹ như mọi đối thủ quốc tế.

Trung Quốc cũng đầu tư cho công cụ thiết kế Empyrean Software hay các nhà cung cấp thiết bị như Naura Technology. Tuy nhiên, về mặt công nghệ thì các công ty Trung Quốc vẫn còn thua kém rất xa.

Điều này khiến hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc này đang đối mặt với nguy cơ mất đi nhân tài, khi hàng trăm nhân viên của hãng đã tìm đến các công ty đối thủ. Huawei hiện có 190.000 nhân viên, và doanh thu lên đến hơn 124 tỉ USD. Tuy nhiên theo thống kê, họ đã mất hàng trăm nhân tài vào tay đối thủ. Một quan chức ngành chip tiết lộ nhóm phát triển chip của Huawei, vốn làm việc không ngừng nghỉ, nay đột nhiên dễ thở hơn. Nhiều nhân viên đang chờ được giao trọng trách tiếp theo từ công ty nhưng cũng thấy rõ nhiều bất định phía trước.

Trong khi đó, các nhà cung cấp của Huawei buộc phải thích ứng với khả năng mất đi một khách hàng lớn. Đối thủ cạnh tranh của hãng trong lĩnh vực điện tử dân dụng và thiết bị viễn thông như Apple, Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia đã sẵn sàng thâu tóm thị phần.

Những doanh nghiệp mua thiết bị 5G của Huawei cũng đã tìm các giải pháp thay thế. Các nhà cung ứng phải điều chỉnh trước việc mất mát một khách hàng lớn. Các đối thủ lớn nhỏ – Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia – sẵn sàng giành giật thị phần.

Trong khi đó, những công ty mua thiết bị 5G từ Huawei cũng phải tìm phương án thay thế. Thiết bị viễn thông là mảng trụ cột của Huawei hàng chục năm qua, đóng vai trò lớn giúp các nhà mạng Trung Quốc xây dựng hạ tầng 5G. Huawei đã chuẩn bị linh kiện đủ dùng trong ít nhất 1 năm. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt 5G tại Trung Quốc đã chậm lại khi Huawei chạy đua thiết kế lại và loại bỏ nhiều công nghệ Mỹ nhất có thể ra khỏi sản phẩm. Tại nước ngoài, nhiều nơi như Anh quyết định hạn chế dùng thiết bị Huawei.

Nhiều chuyên gia nhận định quy định mới sẽ là tác động lớn, thay đổi cục diện chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu hiện nay. Trong bối cảnh đó, MediaTek, nhà phát triển chip điện thoại lớn thứ hai thế giới đến từ Đài Loan, cho biết đã nộp đơn xin cấp phép để tiếp tục làm ăn cùng Huawei.Samsung Electronics, Samsung Display và SK Hynix cũng xác nhận đã thực hiện động thái tương tự.

Trước áp lực từ Mỹ, Huawei tới nay vẫn trụ vững trong mảng điện thoại thông minh. Trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6/2020, Huawei đã vượt qua Samsung và trở thành công ty bán điện thoại lớn nhất thế giới.

Trước đó, tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, hạn chế tập đoàn này sử dụng các công nghệ của Mỹ bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp của Mỹ phải xin phép chính phủ trước khi bán hàng cho Huawei.

Đến tháng 5/2020, Mỹ hạn chế các nhà sản xuất không phải của Mỹ – chẳng hạn nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC – chế tạo bất kỳ sản phẩm nào cho Huawei và HiSilicon (công ty con của Huawei) nếu các nhà sản xuất này có sử dụng thiết bị của Mỹ. Tháng 8/2020, Mỹ cấm tất cả nhà cung cấp có sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép của Mỹ.

PV (t/h)