04/11/2019 11:32:26

Huấn luyện ATLĐ tại CĐN Cơ điện Hà Nội: “Đã làm việc phải an toàn, không an toàn không làm việc”

Chính vì thế, nguồn nhân lực của nhà trường khi hòa nhập thị trường lao động cùng với doanh nghiệp chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghề nghiệp.

Đó là khẩu hiệu trong công tác huấn luyện an toàn lao động (ATLĐ) cho học sinh, sinh viên của Trường CĐN Cơ điện Hà Nội. Là một trong những cơ sở GDNN chất lượng cao, công tác đào tạo nghề đi đôi với huấn luyện ATLĐ đã được nhà trường coi trọng đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, nguồn nhân lực của nhà trường khi hòa nhập thị trường lao động cùng với doanh nghiệp chưa bao giờ xảy ra tai nạn nghề nghiệp. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng CĐN Cơ điện Hà Nội đã chia sẻ cùng Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về vấn đề này.

Hiệu trưởng Đổng Văn Ngọc

Thưa ông, thời gian qua nhà trường đã thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện ATLĐ như thế nào?

Đào tạo kỹ năng về ATLĐ, nhà trường triển khai ở 2 cấp độ: Thứ nhất, nhà trường cử giảng viên tham gia các lớp huấn luyện ATLĐ của Cục ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức. Vì vậy, tất cả các nghề hiện nay trường đang đào tạo đều có giảng viên đã có chứng chỉ và có tư cách pháp nhân để đào tạo ATLĐ. Thứ hai, trong chương trình đào tạo, bất kỳ một mô-đun, môn học nào đều có phần ATLĐ. Các nội dung ATLĐ ở các nhóm ngành nghề đều được dạy đan xen trong chương trình đào tạo, lồng ghép vào trong các bài giảng và được thực hành ATLĐ hàng ngày.

Chẳng hạn, về vấn đề an toàn điện, bất kỳ vào buổi học nào vào sinh viên đều phải học về an toàn điện. Đầu tiên là phải đề phòng, thứ hai là người học phải thuộc quy trình vận hành an toàn để đảm bảo thao tác trực tiếp an toàn với điện. Khả năng gây nổ, chập điện, giật luôn có nguy cơ xảy ra nên vấn đề an toàn luôn phải là đặt lên hàng đầu. Do đó, hàng chục năm nay nhà trường chưa có trường hợp nào sinh viên bị điện giật hay xảy ra tình trạng tai nạn trong nghề. Hoặc đối với lĩnh vực về cơ khí, sinh viên phải thao tác và làm việc trong môi trường có nhiều khí thải độc hại hoặc nghề hàn có nhiều tia lửa. Do đó, sinh viên khi thực hành cũng phải được bảo vệ bằng các trang thiết bị bảo hộ như ở ngoài doanh nghiệp…

Vậy ông đánh giá về ý thức ATLĐ và tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh, sinh viên?

Nhà trường coi ý thức bảo bảo ATLĐ là tính kỷ luật bắt buộc phải duy trì, tạo ra tác phong công nghiệp cho người học, để khi hòa nhập với doanh nghiệp họ đã có tác phong chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn với chính bản thân mình. “Đã làm việc phải an toàn, không an toàn không làm việc”, đây là khẩu hiệu nhà trường đã làm rất tốt nhưng nếu so với yêu cầu tại các doanh nghiệp nước ngoài vẫn cần phải nâng cao hơn nữa, đặc biệt là về trang thiết bị chuyên dùng. Ví dụ, trong xưởng dạy nghề ô tô, chúng ta cho ô tô nổ trong một phòng xưởng bình thường, nhưng ở nước ngoài bắt buộc phải có thiết bị hút khói ngay tại ống xả và xử lý  khí thải. Nhà trường hiện đã tiếp cận và có nguồn để đầu tư tốt hơn trang bị ATLĐ cho các nghề giai đoạn 2020 – 2021. Chúng tôi đang lựa chọn một số phương án, ví dụ thiết bị của nghề ô tô có thể lựa chọn thiết bị lọc khí của Ý.  Hoặc nghề hàn, sẽ đầu tư ống hút khói tại chỗ, xử lý khí thải thành khí sạch trước khi đẩy ra môi trường…

SV thực tập nghề điện tại CĐN Cơ điện Hà Nội

 hông thường, các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo huấn luyện cấp chứng chỉ cho học sinh, sinh viên trước khi tốt nghiệp. Vậy ông đánh giá như thế nào về việc cấp chứng chỉ và điều này có đáp ứng được nhu cầu về ATLĐ của doanh nghiệp? Sự khác biệt giữa huấn luyện ATLĐ trong nhà trường và doanh nghiệp?

Chức năng đào tạo về ATLĐ trong nhà trường là đào tạo cho người học thái độ, có được cái tác phong và vận hành thực hành tốt nội dung ATLĐ một cách triệt để nhất. Còn khi vào doanh nghiệp họ có đặc thù riêng, ví dụ một em học nghề cơ khí ở trong trường, một lĩnh vực cơ khí tương đối rộng nhưng một doanh nghiệp họ chỉ hoạt động 1- 2 lĩnh vực trong cơ khí, người học sẽ được đào tạo chuyên sâu. Chẳng hạn, một người làm ở vị trí hàn ở doanh nghiệp chỉ cần huấn luyện ATLĐ về vị trí việc làm đó để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Còn với nhà trường, bất cứ một nội dung ATLĐ nào đều phải huấn luyện cho người học biết được kiến thức, biết được kỹ năng và vận hành nó một cách thuần thục.

Chứng chỉ về ATLĐ trong nhà trường không bắt buộc nhưng bắt buộc với doanh nghiệp. Người lao động bắt buộc phải được huấn luyện ATLĐ và có chứng nhận đang còn hiệu lực của cơ quan chức năng. Huấn luyện ATLĐ trong doanh nghiệp khác, huấn luyện ở nhà trường khác.

Nhà trường cũng có thể huấn luyện và cấp chứng chỉ luôn khi ra trường cho các em nếu đủ giáo viên và tư cách pháp nhân về huấn luyện ATLĐ. Hoặc có một số đơn vị có tư cách pháp nhân kết hợp với trường tổ chức học và cấp chứng chỉ ATLĐ cho các em có nhu cầu với chi phí khoảng 500 nghìn đồng/người. Tuy nhiên, nhiều DN sau khi tuyển người lại huấn luyện lại về ATLĐ theo công việc thực tế của DN, kể cả với những em đã có chứng chỉ ATLĐ nên thành lãng phí.  Theo luật sử dụng lao động, doanh nghiệp bắt buộc phải huấn luyện an toàn lao động cho người lao động và có cấp giấy chứng nhận an toàn lao động của cơ quan chức năng. Còn chức năng huấn luyện an toàn lao động trong nhà trường liên quan đến đào tạo nhiều hơn .

Để doanh nghiệp không phải đào tạo lại cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường ở mức cao hơn. Tiến tới, nhà trường sẽ làm tích hợp chương trình phối hợp này. Những sinh viên đã được doanh nghiệp nhận vào làm trước sẽ được doanh nghiệp bỏ tiền ra hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động tại nhà trường theo đúng với nhu cầu công việc thực tế của doanh nghiệp. Như vậy, khi đi làm việc thực tế, doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại.

Thu Linh (Thực hiện)