28/06/2024 2:54:13

Hơn 16,2 nghìn tỷ đồng ngân sách dành tăng lương hưu, trợ cấp BHXH nửa cuối năm

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự kiến, tổng kinh phí để tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng trong 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỷ đồng.

Theo dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15%. Với mức trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Ước tính, có khoảng hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh với phương án tăng thêm 15% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7 tới.

Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) mới đây đã có báo cáo đánh giá tác động của chính sách điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp dự kiến tăng từ ngày 1/7. Trong đó, dự kiến nguồn kinh phí điều chỉnh của mỗi chính sách nếu được thực hiện trong nửa cuối năm 2024.

Trong đó, nguồn chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện điều chỉnh sẽ tăng thêm cho năm 2024 là hơn 3.400 tỷ đồng (thực hiện từ ngày 1/7/2024) để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng cho trên 1 triệu người.

Đồng thời, nguồn Quỹ BHXH trong năm 2024 để chi trả theo phương án trên là khoảng hơn 12.500 tỷ đồng cho 2,3 triệu người.

Thực hiện phương án này, có thể xuất hiện vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu trước, và sau thời điểm thực hiện điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (ngày 1/7/2024).

Cùng với điều chỉnh theo mức tăng chung 15%, cơ quan có thẩm quyền còn đề xuất hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Theo đó, thực hiện điều chỉnh đối với khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh theo mức chung, mà có lương hưu, trợ cấp dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Thực hiện giải pháp nêu trên, bên cạnh chi ngân sách Nhà nước để thực hiện điều chỉnh lương hưu chung cho các nhóm đối tượng, thì ngân sách sẽ phải cân đối thêm nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh đối với nhóm có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Dự kiến, kinh phí tăng thêm từ ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng khoảng 3.700 tỷ đồng. Quỹ BHXH cần hơn 12.500 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024.

Như vậy, tổng kinh phí ước tính để tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng 6 tháng cuối năm 2024 là hơn 16.200 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, với tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là trên 1,05 triệu người, thì nhu cầu kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là:Với mức chuẩn hiện hành quy định tại Nghị định số 55/2023/NĐ-CP là 2,055 triệu đồng, thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là 30.290 tỷ đồng.

Theo phương án nếu nâng mức chuẩn lên 2,789 triệu đồng, thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng nửa cuối năm 2024 là hơn 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.

Cao Tuấn