Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 28 (ALMM-28) tại Singapore với chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và Thúc đẩy đổi mới” đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Hội nghị diễn ra tại Singapore vào ngày 30/10 được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, Tan See Leng, cùng với sự tham gia của các Bộ trưởng và Trưởng đoàn đến từ các quốc gia thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, cũng như Timor Leste trong vai trò quan sát viên. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan dẫn đầu tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Tan See Leng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác lao động trong ASEAN khi khu vực ngày càng hội nhập sâu trong lĩnh vực kinh tế cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, thay đổi về nhân khẩu học và sự gia tăng di chuyển lao động, đặt ra cả thách thức và cơ hội cho thị trường lao động của các quốc gia thành viên ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Singapore đã đề xuất chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và Thúc đẩy đổi mới” và nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.
Trong khuôn khổ phiên khai mạc, đã diễn ra Lễ ra mắt hai sáng kiến kỷ niệm 50 năm hợp tác ASEAN về Lao động, gồm video kỷ niệm ALMM và “Hộp thời gian” (Time Capsule) nhằm điểm lại quá trình hợp tác, tôn vinh những cột mốc quan trọng và thành tựu trong hợp tác lao động ASEAN trong suốt năm thập kỷ qua. Sự kiện này là dịp để cùng nhìn lại những thách thức mà ALMM đã vượt qua và tái khẳng định cam kết của ASEAN trong hiện thực hóa mục tiêu của ALMM: nâng cao chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động ASEAN thông qua việc thúc đẩy công việc an toàn và đảm bảo phẩm giá.
Trong phiên họp chính, các nước đánh giá ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ trong 50 năm qua và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực để xây dựng lực lượng lao động kiên cường, năng động. Các Bộ trưởng, Trưởng đoàn nhất trí tận dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tạo cơ hội việc làm xanh và nâng cao kỹ năng xanh, đồng thời ủng hộ xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy người dân làm trung tâm trong hợp tác lao động và việc làm trong Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN sau năm 2025.
Hội nghị đã tiến hành rà soát tiến độ và đưa ra định hướng nhằm hiện thực hóa các văn kiện quan trọng đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua. Trong đó, có Tuyên bố Viêng Chăn về dịch chuyển, công nhận và phát triển kỹ năng cho người lao động di cư, cùng với danh mục đánh giá tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét tuyên bố ASEAN về phòng ngừa Lao động Trẻ em, bao gồm việc xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi và tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã thông qua Hướng dẫn ASEAN về liên thông bảo hiểm cho lao động di cư; Hướng dẫn ASEAN về Bố trí việc làm và Bảo vệ lao động di cư trên tàu cá; ghi nhận và bày tỏ hài lòng về tiến độ thực hiện Chương trình Công tác ALMM 2021-2025, bao gồm các Kế hoạch Công tác của Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của lao động di cư, Nhóm Công tác SLOM về Thực hành lao động tiên tiến nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN, Mạng An toàn và Vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN-OSHNET) và Ủy ban Thanh tra Lao động ASEAN (ALICOM).
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng ASEAN đang ở thời điểm quan trọng sau 50 năm hợp tác trong lĩnh vực lao động.
Bên cạnh đó, Ông cũng nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng bền vững, ứng phó xã hội già hóa và dịch bệnh mới nổi, góp phần xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2045 và Kế hoạch Chiến lược ASCC sau 2025.
Thứ trưởng đánh giá cao chủ đề của hội nghị lần này và khẳng định Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với hoàn thiện đồng bộ thể chế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) để xây dựng và phát triển đất nước.
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ cùng các nước thành viên ASEAN cùng triển khai những sáng kiến, đề xuất hợp tác đã và sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới, hướng tới quản trị tốt hơn lĩnh vực lao động, tạo cơ sở để các nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Đại diện lãnh đạo Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội cam kết Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác với các đối tác cả truyền thống và tiềm năng của ASEAN để cùng xây dựng một hệ thống quản trị và lực lượng lao động cạnh tranh, có năng suất cao và đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã thông qua Tuyên bố chung ALMM lần thứ 28 và nhất trí Thái Lan sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ALMM năm 2026.
Diệu Linh