Triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022, Hiệp hội sẽ tập trung kiện toàn tổ chức mọi mặt về công tác tổ chức, phát triển hội viên, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông, hoàn thành các công tác nghiên cứu khoa học, dự án và hợp tác quốc tế nhằm củng cố, nâng cao vai trò của Hiệp hội trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Mở rộng quy mô, nâng cao sự chuyên nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022 của Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các đầu cầu hôm 9/8, ông Phan Sỹ Nghĩa – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cho biết, với mong muốn mở rộng quy mô và nâng cao sự chuyện nghiệp, Hiệp hội đã hoàn tất thủ tục mở Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM của Hiệp hội và của Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống. Đồng thời, hồ sơ xin mở Diễn đàn Giáo dục nghề nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội cũng đã được Hiệp hội gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời gian qua, kỳ thi Kỹ năng nghề Việt Nam lần thứ 12 đã diễn ra đầy sôi nổi và có được kết quả tốt, các thí sinh đoạt giải đang bước vào những ngày huấn luyện cho kỳ thi Asean. Với sự kiện quan trọng này, Hiệp hội đã tham gia Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng thi quốc gia số 3, chuẩn bị cho Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VFF)…
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dương Đức Lân: “Bên cạnh hệ đào tạo cao đẳng, đại học chính quy, việc học nghề ngày càng được chú trọng và cần có những quy định cụ thể. Với vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội cũng tham gia xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách như: Góp ý Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS”. Ngoài ra Hiệp hội còn nghiên cứu góp ý vào dự thảo nhiều văn bản khác như: Dự thảo Thông tư chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp…
Trong công tác chuyên môn, Hiệp hội đã chỉ đạo các đơn vị tham gia Đoàn Hiệp hội tham dự kỳ Thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2022; Triển khai một số nội dung để kết thúc Dự án thành phần “Nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục của trẻ em trong các gia đình công nhân di cư làm việc tại các khu công nghiệp tại Hà Nội” thuộc EU JULE do tổ chức OXFAM tài trợ.
Về công tác truyền thông, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống duy trì xuất bản ấn bản in hàng tháng theo giấy phép. Tạp chí in và ấn bản điện tử đã thông tin kịp thời về hoạt động của Hiệp hội, của ngành lao động – thương binh và xã hội nói chung, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Ngoài ra, trên đà những mục tiêu rõ ràng cùng các hoạt động hỗ trợ đắc lực trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, Hiệp hội đã thu hút và kết nạp thêm 5 hội viên mới.
Tập trung thu hút hội viên mới
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm, ông Phan Sỹ Nghĩa cho biết, để kiện toàn tổ chức, Hiệp hội sẽ tăng cường phát triển trên mọi mặt về công tác tổ chức, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông, hoàn thành các công tác nghiên cứu khoa học, dự án và hợp tác quốc tế.
Trong đó, việc củng cố các đơn vị hiện có, xúc tiến các thủ tục để hoàn thiện tư cách pháp nhân của một số đơn vị trực thuộc là điều cần hoàn thành sớm; hoàn thành thủ tục thành lập thành lập Văn phòng đại diện của Hiệp hội khu vực phía Nam tại TP.HCM, thành lập Ban truyền thông để Hiệp hội có quy mô hơn.
Trong công tác mở rộng và phát triển Hiệp hội, cần tiếp tục phát triển hội viên mới trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề làm đẹp và công tác xã hội; Vận động một số địa phương có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập Hội Giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tổ chức Đại hội/Hội nghị Ban chấp hành Hội Đào tạo – Phát triển nghề làm đẹp để kiện toàn ban lãnh đạo, đánh giá kết quả hoạt động thời gian qua và xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Hội trong thời gian tới. Các quy định về công tác Thi đua – Khen thưởng cần được xây dựng văn bản quản lý.
Trong công tác truyền thông, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin và kế hoạch cũng như các hoạt động của Hiệp hội. Do vậy, cần đánh giá kết quả hoạt động của Tạp chí sau 02 năm được giao quyền tự chủ toàn diện, đồng thời hoàn thành thủ tục mở Văn phòng đại diện khu vực phía Nam tại TP.HCM của Tạp chí.
Cần phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả về tuyên truyền, vận động học nghề, việc làm bền vững, đồng thời thực hiện các chuyên đề sâu về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, an toàn lao động, an sinh xã hội… trên tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống bản in và bản điện tử.
Các công tác xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện như: Tham gia triển khai giải pháp, chương trình, đề án, dự án thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Góp ý dự thảo Đề án và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”; Góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác khi được đề nghị.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, dự án và hợp tác quốc tế, cần hoàn thành đề tài cấp bộ “Đổi mới hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ việc làm đến năm 2030”. Đặc biệt, Hiệp hội đang tham gia đấu thầu để thực hiện 01 đề tài nghiên cứu cấp Bộ thực hiện trong 2023. Hiệp hội tăng cường trao đổi nội dung hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Hiệp hội các trường công tác xã hội quốc tế (IASSW) và Hiệp hội giáo dục nghề công tác xã hội Châu Á – Thái Bình Dương…
Đức Khang