Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan và các đơn vị hải quan địa phương đã triển khai các giải pháp đồng bộ thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu, phòng dịch nghiêm ngặt nhưng vẫn bảo đảm giải quyết thủ tục hải quan thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Các địa phương thích ứng linh hoạt
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai, Điện Biên, Hải Dương, Hưng Yên… nơi phát sinh dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, các đơn vị đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm giải quyết thủ tục hải quan thuận lợi cho DN.
Tại Hải Dương, trước thông tin COVID-19 trong cộng đồng, Chi cục Hải quan Hải Dương (Cục Hải quan Hải Phòng) lập tức kích hoạt phương án phòng chống dịch COVID-19 khẩn cấp.
Đối với việc tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu (XNK), Chi cục đã bố trí người nhận hồ sơ (nếu phải nộp hồ sơ giấy), đo thân nhiệt của nhân viên xuất nhập khẩu, ghi nhận lịch sử vào/ra Chi cục. Nếu cần trao đổi với cán bộ công chức hải quan thì sử dụng nhóm trên ứng dụng trực tuyến qua điện thoại di động…
Cụ thể, trên nhóm Zalo “Hội XNK Hải Dương” có gần 400 thành viên là nhân viên hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn và cả cán bộ công chức của Chi cục đã hoạt động trao đổi thông tin rất tích cực. Các thông tin liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đã được chia sẻ kịp thời, vướng mắc phát sinh cũng được công chức hải quan hướng dẫn tận tình để bảo đảm việc thông quan hàng hóa diễn ra thông suốt.
Hải quan thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn để tạo niềm tin cho cán bộ công chức hải quan và cộng đồng DN trên địa bàn yên tâm thực hiện tốt công việc trong đại dịch COVID-19.
Với các biện pháp chủ động, tích cực nên việc thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan Hải Dương diễn ra thông suốt với bình quân khoảng 1.000 tờ khai/ngày làm việc và được cộng đồng DN ghi nhận. Tờ khai của đơn vị chủ yếu liên quan đến loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu. Tại Chi cục Hải quan Hưng Yên việc thông quan hàng hóa cũng diễn ra thuận lợi, bình quân giải quyết thủ tục cho trên 600 tờ khai/ngày làm việc và thường xuyên có trên 300 DN làm thủ tục.
Còn tại Quảng Ninh, cơ quan hải quan cũng kích hoạt các phương án, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cấp độ cao nhất, dừng các sự kiện, hoạt động tập trung đông người.
Phòng Công nghệ thông tin sẵn sàng để trở lại phương án làm việc trực tuyến qua môi trường mạng trong toàn Cục, tăng cường tối đa các hoạt động trực tuyến để giảm thiểu tiếp xúc tại công sở, cơ quan, đơn vị (khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền).
Ngay cả với hải quan các tỉnh, thành phố chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các đơn vị hải quan cũng được quán triệt phòng chống dịch vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa XNK thuận lợi
Tại Lạng Sơn, trước thực tế lượng xe hàng, lái xe, chủ hàng, người đến từ các vùng đang có dịch COVID-19 và từ các địa phương rất nhiều, các đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, đội kiểm dịch y tế quốc tế, đơn vị kinh doanh bến bãi…, thực hiện phân luồng phương tiện chở hàng hóa XNK, phân loại và tách các nhóm lái xe, chủ hàng đến từ các địa phương đã xuất hiện dịch COVID-19 để dễ kiểm soát. Bên cạnh đó, lực lượng tại các cửa khẩu cũng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền đến các lái xe, chủ hàng không tập trung thành nhóm đông người ở trong khu vực cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm về khai báo và xét nghiệm, cách ly y tế và bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt trên tuyến biên giới, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở, chống xuất nhập cảnh trái phép.
Đại diện cơ quan hải quan cho biết, dù dịch bệnh, tình hình các hoạt động gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp dưới các hình thức như khai báo sai về tên hàng, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa, xuất xứ, năm sản xuất của máy móc thiết bị… đặc biệt, một số đối tượng vẫn lợi dụng hình thức khai báo hòng gian lận, buôn lậu các mặt hàng giả mạo xuất xứ “Made in Viet Nam”, hàng cấm như ma túy, pháo nổ và các sản phẩm gia súc gia cầm.
Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý, tập trung vào nhóm mặt hàng có nguy cơ cao, cập nhật thông tin kịp thời trên hệ thống thông tin nghiệp vụ…
Các đơn vị cửa khẩu chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tích cực điều tra, phối hợp với các đơn vị khác nắm tình hình về các đối tượng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường ứng dụng công nghệ, đơn giản hoá thủ tục
Hải quan vẫn là một trong những ngành tiên phong triển khai ứng dụng hiện đại hoá, áp dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, cơ quan hải quan yêu cầu toàn bộ các chứng từ hộ sơ hải quan nộp qua hệ thống hải quan điện tử, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp.
Thông tư số 47/2020 quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và chính thức xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu áp trong giai đoạn dịch COVID-19 cho phép cấp chứng nhận xuất xứ CO điện tử, không phải nộp bản chính, cũng tạo điều kiện rất tốt cho DN, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với hải quan.
“Cơ chế này ngoài việc giảm tiếp xúc còn giúp giảm hồ sơ giấy tờ tạo thuận lợi tối đa cho DN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”, ông Âu Anh Tuấn đánh giá.
Trong bối cảnh dịch bệnh, khi nhập các trang thiết bị, hay vaccine chống dịch, hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện các biện pháp thông quan nhanh, đơn giản hoá thủ tục nhập khẩu.
Đối với lô hàng vaccine COVID- 19 đầu tiên về đến cửa khẩu Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã thiết lập tiêu chí luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), chỉ đạo Cục Hải quan TPHCM giải quyết thủ tục thông quan nhanh chóng để DN đưa hàng về bảo quản ở điều kiện phù hợp bảo đảm chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào sử dụng..
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo hải quan các địa phương tạo thuận lợi tối đa cho việc nhập khẩu các mặt hàng chống dịch cũng như thực hiện xuất khẩu hàng hoá chống dịch (như khẩu trang…) của Việt Nam đi các nước khác.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay các DN có xu hướng chuyển đổi hoạt động kinh doanh trực tiếp sang thương mại điện tử, trong đó bao gồm cả các DN làm ăn chân chính cũng như các hoạt động gian lận tinh vi.
Chính phủ đã sớm quan tâm, chỉ đạo việc tạo dựng môi trường thương mại điện tử công bằng, lành mạnh. Trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa phải chống dịch nhưng cũng không được lơ là đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2021, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý hải quan với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử, dự kiến trình trong quý IV/2021.
“Nghị định này được ban hành sẽ quản lý tốt hơn hẳn các hoạt động thương mại điện tử, kiểm soát tốt hơn các hoạt động trong đó đấu tranh với các hành vi lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, buôn hàng cấm qua biên giới…”, ông Âu Anh Tuấn chia sẻ.
Theo VGP