Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2023/TT- BLĐTBXH ngày 15/06/2023 ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo.
Được thụ hưởng từ cơ chế chính sách học phí, cũng như khẳng định chất lượng đào tạo các ngành nghề. Nguồn nhân lực các ngành nghề đặc thù đang được thị trường đón nhận, sẵn sàng trải thảm săn đón nguồn nhân lực có tay nghề đạt chất lượng. Nhóm ngành nghề này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ hứa hẹn sức hấp dẫn mới trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Nhiều ngành, nghề trong danh mục nghề đặc thù
Theo đó, danh mục ngành nghề đặc thù có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng bao gồm các ngành:
Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Mỹ thuật; Nghệ thuật trình diễn; Mỹ thuật ứng dụng; Khoa học sự sống; Công nghệ kỹ thuật; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Công nghệ hoá học, vật liệu, luyện kim và môi trường; Công nghệ sản xuất; Công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa; Công nghệ kỹ thuật mỏ; Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật; Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; Sản xuất và chế biến; Kiến trúc và xây dựng; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; Thú y; Y học; Dược học; Điều dưỡng, hộ sinh; Kỹ thuật y học; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Dịch vụ vận tải; Môi trường và bảo vệ môi trường; Quân sự.
Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH cho đến khi kết thúc khóa học.
Nghề đặc thù nhưng hấp dẫn: được giảm 70% học phí, sẵn cơ hội việc làm
Áp dụng học phí đối với người học các ngành, nghề độc hại theo Thông tư Thông tư 05/2023/TT- BLĐTBXH, được căn cứ theo Nghị định số 81/2021/NĐ- CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí , hỗ trợ học phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo khoản 1, điều 16, Nghị định số 81/2021/NĐ- CP, đối tượng học sinh, sinh viên học ngành nghề đặc thù tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giảm 70% học phí. Với những chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên theo học các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Đây thực sự là chất xúc tác, là điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút người học trong mùa tuyển sinh năm nay và những năm tiếp theo. Điều đáng nói, nguồn nhân lực ở các ngành nghề đặc thù hiện nay vẫn luôn khan hiếm, cần nguồn nhân lực dồi dào qua đào tạo trong tương lai.
Tại trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) là một trong những cơ sở GDNN chất lượng hàng đầu của Thủ đô Hà Nội. Mùa tuyển sinh năm 2023, trường có chỉ tiêu tuyển sinh trên 1800 học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ ( sơ cấp, trung cấp, cao đẳng). Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh hệ Cao đẳng luôn được ưu tiên với khoảng 1200 sinh viên ở các nhóm, ngành nghề đào tạo.
Đối với nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh 790 học sinh, sinh viên ở các trình độ trung cấp, cao đẳng ở 7 ngành, nghề bao gồm: Công nghệ Hàn ( 25 chỉ tiêu), Điện công nghiệp ( CĐ 150 chỉ tiêu, TC 20 chỉ tiêu), Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (CĐ 150 chỉ tiêu, TC 10 chỉ tiêu), Hàn (25 chỉ tiêu), Công nghệ kỹ thuật cơ khí (25 chỉ tiêu), Cắt gọt kim loại (CĐ 40 chỉ tiêu, TC 20 chỉ tiêu), Công nghệ ô tô ( CĐ 295 chỉ tiêu, trung cấp 30 chỉ tiêu).
Học phí học nghề khối kỹ thuật tại trường CĐ Công nghiệp Hà Nội thông trung bình là 1,7 triệu đồng/ tháng. Áp dụng đối với 7 nghề đặc thù nhà trường đang đào tạo, học sinh, sinh viên học các nghề này được giảm 70% học phí. Như vậy, mức học phí sau khi giảm chỉ còn 510.000 đồng/ tháng.
Bên cạnh được thụ hưởng chính sách ưu tiên nhóm nghề đặc thù có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, học sinh, sinh viên trường CĐ nghề công nghiệp Hà Nội có chất lượng đầu vào tốt, học sinh hàng năm đạt loại khá giỏi đều nhận được học bổng khuyến khích của nhà trường. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ học phí để các em yên tâm học tập và rèn luyện.
Có thể nói, học sinh, sinh viên đăng ký chọn học nghề các nhóm ngành, nghề đặc thù có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là cơ hội thực học, thực hành, trải nghiệm được gắn với hoạt động trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn nước ngoài lớn tại Việt Nam như: Samsung, Hyundai Motor Company – Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Với thời lượng học lý thuyết 30% và thực hành 70%, học sinh, sinh viên trường CĐ nghề CN Hà Nội sẽ có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có vị trí việc làm tốt và khả năng thăng tiến về thu nhập từ 12- 15 triệu đồng/ tháng.
Tại trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu (BTEC) tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề đặc thù ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong đó, chỉ tiêu hệ CĐ có: Thú y (chỉ tiêu 20), Nuôi trồng thủy sản (chỉ tiêu 70). Trình độ TC có: Chăn nuôi- Thú y (35 chỉ tiêu), Nuôi trồng thủy sản (80 chỉ tiêu), Chế biến và bảo quản thủy sản (35 chỉ tiêu), Trồng trọt và bảo vệ thực vật (40 chỉ tiêu), Thanh nhạc (30 chỉ tiêu).
Học phí các nghề này tại trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Bạc Liêu thông thường ở mức 800.000 đồng/ tháng đối với hệ TC, 900.000 đồng/ tháng đối với hệ Cao đẳng. Áp dụng giảm 70% học phí, học sinh, sinh viên chỉ phải đóng: 240.000 đồng/ tháng hệ TC; 270.000 đồng/tháng hệ CĐ.
Đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản là thế mạnh kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi vậy nguồn nhân lực qua đào tạo ở các nhóm ngành nghề này luôn có cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định.
Còn tại trường CĐ kỹ thuật công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu (BCTech), tuyển sinh mạnh các nghề: Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Hàn, Cắt gọt kim loại, Chế tạo thiết bị cơ khí, Chế biến thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn. Sau khi giảm 70% học phí theo quy định , học sinh, sinh viên học nhóm ngành nghề đặc thù chỉ phải đóng 232.700 đồng/ tháng.
Học sinh, sinh viên học học các nghề đặc thù tại trường CĐ kỹ thuật công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu được học trên các thiết bị công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại. Với thời lượng 30% lý thuyết, 70% thực hành, sinh viên luôn được doanh nghiệp “đặt hàng” và sẵn có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Bình Minh