Với tâm lý muốn con được “xả hơi” sau hai năm liên tục phải giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều gia đình có phần lơi lỏng quản lý, còn trẻ nhỏ lại ham vui khiến dẫn tới một loạt vụ trẻ đuối nước thương tâm. Từ đầu năm đến hết tháng 5, cả nước đã có tới 113 trẻ tử vong do đuối nước.
Gia đình lỏng quản lý, trẻ thiếu kỹ năng an toàn
Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) trong 5 năm (2016 – 2020) tình hình tai nạn thương tích trẻ em đã giảm, đặc biệt là tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm so với giai đoạn trước, mỗi năm giảm từ 3-5% tương đương với mỗi năm giảm khoảng 100 trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Đuối nước trẻ em thường tập trung vào dịp hè. Đặc biệt, không ít trường hợp nhiều trẻ em bị tử vong trong cùng một vụ và địa điểm trẻ em bị đuối nước thường ở những vùng nước sâu nguy hiểm, không có cảnh báo, cảnh giới.
Mùa hè năm 2021, số liệu thống kê cho thấy, từ 30/4 đến 30/9 trên toàn quốc đã xảy ra 54 vụ, khiến 89 học sinh, trẻ em thiệt mạng.
Các chuyên gia lo ngại số lượng trẻ tử vong do đuối nước hè năm năm nay có thể tăng cao hơn, khi mới đầu hè đã có nhiều vụ trẻ đuối nước thương tâm. Chỉ trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước. Một số vụ thương tâm như: ngày 28/5 tại Hà Nội đã có 2 nam sinh lớp 6 đã tử vong khi tắm ở hồ điều hòa làng Ngòi; ngày 31/5 tại Quảng Trị, 2 trong số 4 trẻ em bị chết đuối khi rủ nhau đi tắm hồ; ngày 01/6 tại Phú Thọ, 3 nữ sinh lớp 6 tử vong do đuối nước. Năm 2022, tính đến hết tháng 5, cả nước đã có tới 113 trẻ bị tử vong do đuối nước.
Những trường hợp đuối nước thương tâm thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể đến như: trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu, trẻ chưa được trang bị kỹ năng cứu người, trẻ em không được dạy những kỹ năng đánh giá môi trường nguy hiểm để tránh… Thậm chí, việc sơ, cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi.
Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình xã hội hoặc công tác Đoàn, Đội mà không có các hoạt động chuyên biệt, hướng tới việc bảo vệ trẻ em.
Với tâm lý muốn con được “xả hơi” sau hai năm liên tục phải giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cha mẹ cũng có phần lơi lỏng quản lý, còn trẻ nhỏ lại ham vui. Đó là hai trong nhiều yếu tố khiến nguy cơ đuối nước 2022 gia tăng.
Những giải pháp khẩn cấp
Trước tình trạng trẻ em đuối nước có dấu hiệu gia tăng, đầu tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 398/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.
Bên cạnh đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học…
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa cho hay, ngay khi nhận được Công điện của Thủ tướng, Cục Trẻ em đã nhanh chóng đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tử vong tai nạn đuối nước trẻ em.
Cục cũng đã tăng cường phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia triển khai một loạt giải pháp nhằm hạn chế gia tăng số vụ trẻ em tử vong do đuối nước như: chuẩn hóa 04 bộ tài liệu dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn tại các tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao; triển khai lắp đặt bể bơi; xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên dạy bơi an toàn trong toàn quốc.
Theo bà Hoa, tại Quyết định số 1248/QĐ-TTg, Thủ tướng đã đề ra mục tiêu xây dựng 7 triệu Ngôi nhà an toàn vào năm 2025,và 8 triệu vào năm 2030; 12.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn vào năm 2025 và 15.000 vào năm 2030; 400 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào năm 2025 và 500 vào năm 2030.
Triển khai trên thực tế, tính đến tháng hết tháng 5/2022, Cục Trẻ em đã phối hợp với bộ ban ngành địa phương giúp xây dựng hơn 6,2 triệu ngôi nhà có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chí Trường học an toàn, 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn.
Có thể thấy, các chỉ tiêu về xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn đã vượt gấp 15 lần; Chỉ tiêu trường học đạt tiêu chí Trường học an toàn vượt hơn gấp 2,2 lần mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đáng tiếc là các vụ tai nạn vẫn xảy ra liên tiếp, thậm chí có phần nghiêm trọng vì nhiều trẻ em cùng tử vong trong một vụ.
Theo Phó Cục trưởng Vũ Thị Kim Hoa, có nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung nhận thức về nguy hiểm đuối nước của trẻ em và gia đình vẫn chưa thực sự đầy đủ. Đáng nói, chính quyền địa phương chưa chưa quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em cũng như chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác này để cứu sinh mạng trẻ em.
Vì vậy, thời gian tới Cục Trẻ em vẫn tiếp tục chỉ đạo sát sao các địa phương rà soát, lập bản đồ các nơi nguy hiểm để triển khai can thiệp như cắm biển báo, làm rào chắn, cắt cử người cảnh giới; đồng thời, tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình và xã hội nhằm giảm tối đa số vụ trẻ em đuối nước thương tâm.
Ngô Diệp