30/12/2020 9:26:55

Gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục GDNN ( Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội Nghị Tổng kết hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020 – Nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021.

Với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp (DN), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hội nghị đã trao đổi các nội dung gắn kết GDNN với doanh nghiệp và các nội dung về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng là sóng dịch chuyển FDI và việc làm; chương trình đào tạo cán bộ doanh nghiệp; thảo luận hợp tác GDNN với doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất.

Trong bối cảnh “làn sóng” Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong và ngoài nước, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ, kéo theo “chuỗi phản ứng dây chuyền” tác động tiêu cực đến thị trường lao động cũng như lĩnh vực GDNN. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo lĩnh vực GDNN đạt 34% ( tức đạt 70% so với cùng kỳ năm 2019).

“Bằng giải pháp đồng bộ về phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển KT-XH và tuyển sinh đào tạo, đến nay, kết quả tuyển sinh của hệ thống GDNN đã đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hệ thống GDNN đang phát huy hiệu quả, gặt hái nhiều thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả quan trọng.” – TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu khai mạc hội nghị.

TS. Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao kết quả đạt được của công tác GDNN và việc làm trong năm 2020 của Thành phố.

Gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm trong bối cảnh Covid-19

Gắn kết giữa đào tạo và việc làm, giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp là chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được pháp luật quy định nhằm giảm khoảng cách giữa “thế giới đào tạo” và “thế giới việc làm”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Gắn kết GDNN với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đào tạo nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào GDNN.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc ký kết thành công các chương trình hợp tác với VCCI, các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn (Samsung, Denso, Vingroup, Trung Nguyên, FLC, Vietjet, Sun Group, BIM, BPO Mắt Bão…) làm cơ sở cho hệ thống GDNN thúc đẩy tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, đứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp ngoài dự đoán, Tổng cục GDNN đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục GDNN đã có báo cáo về hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp trong năm 2020:

“Dịch Covid-19 đã tác động đặc biệt nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, khiến việc cắt giảm lao động diễn ra rất mạnh đặc biệt trong các ngành hàng không, dịch vụ, du lịch, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động… những tác động này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho GDNN”.

Cụ thể, Tổng cục GDNN trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 171/QĐ-LĐTBXH ngày 14/02/2020; Phối hợp với VCCI, hướng dẫn, tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Tổ tư vấn chất lượng; Ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết doanh nghiệp năm 2020. Hoàn thiện để trình ban hành Dự thảo Thông tư ban hành danh mục ngành, nghề sử dụng lao động qua đào tạo.

Tiếp tục hoàn thiện để trình phê duyệt “Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN4.0; Ban hành Công văn số 886/TCGDNN-ĐTCQ ngày 24/4/2020 về việc đẩy mạnh gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp; Chỉ đạo và triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Các thành viên Tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã chủ động thúc đẩy các hoạt động gắn kết giữa GDNN với DN; Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn; Hoạt động gắn kết GDNN với DN ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế;…

Trong đó, một số mô hình gắn kết tiêu biểu như “mô hình đào tạo song hành giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN” và “mô hình doanh nghiệp đào tạo giáo viên hạt nhân cho cơ sở GDNN để cơ sở GDNN đào tạo kỹ thuật viên cho doanh nghiệp” đã thấy được những hiệu quả nhất định.

Doanh nghiệp là “cán cân” đánh giá chính xác nhất hiệu quả của hệ thống GDNN

Để đánh giá chất lượng, hiệu quả GDNN thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp là “cán cân” đánh giá chính xác và hiệu quả nhất về chất lượng GDNN. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nghiệp đóng vai trò là “trung tâm của đổi mới sáng tạo”.

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và cũng là thách thức đặt ra cho GDNN. Do đó, doanh nghiệp luôn là đối tác quan trọng nhất của các cơ sở GDNN, không chỉ tham gia “sâu” vào quá trình đào tạo, chất lượng đầu vào đầu ra của nguồn nhân lực mà còn tham gia “rộng” trong quá trình đổi mới, nâng cấp hệ thống GDNN.

Tổng cục GDNN đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ một số chính sách, phối hợp, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối hệ thống GDNN với các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch gắn kết GDNN với thị trường lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đầu ra, thành lập các hội đồng kỹ năng ngành có sự tham gia của doanh nghiệp, đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp, trang bị kỹ năng dạy học cho người làm công tác dạy nghề…

Năm 2020, từ sự khó khăn của doanh nghiệp trong dịch Covid-19, hiệu quả của GDNN ít nhiều bị ảnh hưởng do thời gian thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp bị hạn chế do đình trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… nhất là trong các nghề vận tải, dịch vụ, du lịch và một số lĩnh vực khác.

Sẵn sàng “bắt nhịp” với làn sóng đầu tư vào Việt Nam

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết:” Hiện đang có “làn sóng” khoảng 60 tỷ USD đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, một trong những lý do thu hút các nhà đầu tư là Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào.”

Do xung đột thương mại nói chung, trong đó lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, các nhà đầu tư đã đón đầu để tái cơ cấu và đa dạng hóa đầu tư. Mặt khác, dịch Covid đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đẩy nhanh thêm tiến trình tái cơ cấu này.

Mỗi năm có khoảng 2500-4000 doanh nghiệp với trên 60% chế biến chế tạo, thu hút trung bình 50-100 lao động, các doanh nghiệp lớn thu hút hàng chục nghìn lao động cho thấy nhu cầu nhân lực có kỹ năng là rất lớn. Đây được xem là thách thức lớn đối với hệ thống GDNN của Việt Nam.

Để biến thách thức thành cơ hội, sẵn sàng cho “bước ngoặt năm 2021” cần đề ra những giải pháp nâng cao gắn kết GDNN với doanh nghiệp.

Cụ thể, tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp tham gia GDNN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.

Xây dựng phần mềm kết nối cung – cầu; cơ sở dữ liệu lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững; xây dựng đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động;

Tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”;

Phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động đang và sẽ làm việc cho các doanh nghiệp

Đẩy mạnh hoạt động các phiên giao dịch việc làm lưu động thực hiện ngay tại các cơ sở GDNN; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp đối với việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là truyền thông nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, tạo sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề…

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tập đoàn Daikin phối hợp cùng Tổng cục GDNN đã trao giấy chứng nhận bồi dưỡng giáo viên hạt nhân của tập đoàn.

Chia sẻ về mô hình đào tạo kép đã triển khai thành công tại CHLB Đức, đại diện GIZ cho biết, việc đào tạo kép được tiến hành tại cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên cơ sở cùng chia sẻ trách nhiệm. Theo đó, người học sẽ học 30% chương trình (chủ yếu là lý thuyết) tại cơ sở GDNN công lập; 20% chương trình (học cả lý thuyết và thực hành) tại trung tâm đào tạo liên doanh nghiệp; 50% tại DN (chủ yếu học thực hành). Trong chương trình đào tạo kép, doanh nghiệp được tham gia xây dựng danh mục ngành nghề, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo; được tham gia trong các kỳ thi sát hạch và chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng GDNN.

Thúy Anh