Quyết định về việc áp thuế trả đũa Mỹ được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, phụ trách thương mại – Valdis Dombrovkis thông báo trong một cuộc họp báo chiều ngày 9/11 tại Brussels.
EU buộc phải đưa ra quyết định đáng tiếc này sau khi phía Mỹ không có dấu hiệu nhượng bộ và ngừng việc đánh thuế vào các mặt hàng xuất khẩu của Liên minh châu Âu.
Cuộc chiến thuế quan giữa EU và Mỹ bắt nguồn từ vụ kiện từ năm 2004 liên quan đến các tập đoàn hàng không Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu, khi cả Mỹ và EU đều cho rằng đối thủ cạnh tranh không công bằng dưới hình thức nhận nhiều trợ cấp nhà nước.
Để trừng phạt EU, từ năm 2019 Mỹ đã ra lệnh áp mức thuế 25% vào một số mặt hàng của châu Âu như rượu vang, dầu ô-liu… Các biện pháp này khiến EU thiệt hại khoảng 7,5 tỷ USD.
Phía châu Âu phản đối và kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới – WTO. WTO vào tháng trước đã bật đèn xanh cho EU áp thuế lên hàng hoá Mỹ để trả đũa việc Mỹ trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Boeing. Trước đó, Washington đã đánh thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hoá của EU nhằm đáp trả việc trợ giá cho hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus.
Theo biện pháp trả đũa của châu Âu, khu vực này sẽ đánh thuế 25% lên mặt hàng máy bay nhập khẩu từ Mỹ và 15% đối với hàng loạt mặt hàng khác như thuốc lá, các loại hạt, nước ép trái cây, túi xách…
Tuy nhiên ông Dombrovskis vẫn để ngỏ cơ hội dàn xếp với Mỹ. “Chúng tôi vẫn sẵn sàng ngưng hoặc rút lại các khoản thuế nếu Mỹ cũng ngưng hoặc rút lại các khoản thuế của họ”, ông Dombrovskis nói.
Hiện phía EU cũng chưa thông báo chi tiết các biện pháp trả đũa nhằm vào mặt hàng nào của Mỹ và thời điểm nào sẽ thực hiện.
Phát biểu trên đài phát thanh Đức chiều 9/11, ông Peter Altmeier, Bộ trưởng Kinh tế Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, nhận định, việc nước Mỹ sắp có một chính quyền mới sau cuộc bầu cử Tổng thống sẽ là cơ hội để hai phía EU và Mỹ xuống thang và chấm dứt các biện pháp trả đũa lẫn nhau.
“Giữa tất cả các nước thành viên của EU và Mỹ, chúng tôi đều đang nỗ lực để có một sự khởi đầu mới trong chính sách thương mại. Chính sách thương mại là thẩm quyền của Liên minh châu Âu nên chúng tôi sẽ ủng hộ Ủy ban châu Âu trong việc đạt được các nhận thức về lợi ích chung và một thỏa thuận với Mỹ”.
PV (T/h)