Đó là những chia sẻ chân thành của em Nguyễn Văn Huân – HCV nghề Robot di động, kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia 2020 với Tạp chí Nghề nghiệp & Cuộc sống.
Với đam mê được trải nghiệm, mày mò máy móc công nghệ… Huân chọn học nghề như một cách “thoải mãn” niềm yêu thích của mình.
Thời điểm đó, anh trai đang ôn thi tay nghề Thế giới tại Hàn Quốc đã phần nào tiếp thêm động lực cho Huân tin tưởng ở quyết định “Học nghề” là hoàn toàn đúng đắn.
Được sự tư vấn và động viên từ anh trai, Huân quyết định theo học cùng trường với anh mình, trường Cao Đẳng Cơ Điện Hà Nội – “cái nôi” đào tạo nên bao thế hệ sinh viên ra trường với kỹ năng tay nghề giỏi và nhận được sự tín nhiệm và tin tưởng từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chọn cho mình ngành cơ điện tử đúng sở thích cũng như sở trường của bản thân, Huân “mãn nguyện” với thời lượng thực hành chiếm đến 70% chương trình học, giúp em có được nhiều cơ hội trải nghiệm các loại máy móc cũng như công nghệ hiện đại trong suốt quá trình học tập.
“Em chọn theo học ngành cơ điện tử , ngành này sẽ được học về cả cơ khí và điện tử. Cụ thể bọn em được học về điện tử, mạch điện , thực hành lập trình hệ thống điện tử tự động…Về phần cơ khí sẽ được học về phay CNC và tiện CNC” – Huân chia sẻ.
Quá trình học tập tại trường, Huân luôn là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Tháng 11/2019, khi mới còn là sinh viên năm nhất, em đã đăng ký tham gia ôn thi và được chọn để tiến hành huấn luyện cho kỳ thi kỹ năng tay nghề. Không phụ sự kỳ vọng của bạn bè cũng như thầy cô, Huân mang về cho mình chiếc HCV nghề Robot di động trong Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia năm 2020.
Từ khi được chọn tham gia huấn luyện, cường độ học tập của Huân bắt đầu tăng chóng mặt, sáng học trên lớp chiều ôn thi. Tuy vô cùng hứng khởi và quyết tâm cao độ nhưng em cũng gặp không ít khó khăn.
“Thời gian đầu ôn thì thì em cảm thấy tương đối đơn giản và thích thú vì nhiều điều mới mẻ. Nhưng khi bắt đầu biết quy cách thì và mô phỏng đề thi thì không còn dễ dàng nữa. Bọn em phải sử dụng phần mềm mới và robot mới, đề thi mới thay đổi khác hẳn mọi năm. Khó khăn lớn nhất là phần mềm hoàn toàn mới lạ phải tự tìm hiểu vì nó không được phổ biến tại Việt Nam.” – Huân chia sẻ.
Đặc biệt, trong quá trình chạy nước rút, cường độ học tập khiến Huân tương đối mệt, với quyết tâm cao độ, em thường xuyên ở lại trường ôn tập đến khuya, có hôm mải học đến 2h sáng mới về. Tuy nhiên có thể thấy, nhờ vậy mà Huân và đồng đội đã gặt hái được những thành quả xứng đáng.
Trở về sau cuộc thi, Huân quay trở lại với việc học và trải nghiệm thực tế tại các khu công nghiệp. Cảm giác chiến thắng vẫn còn đó, nhưng giờ lại chỉ giống như mở ra một cánh cửa nhỏ, trước mắt em là cả một thế giới lớn. Dù được thực hành và trải nghiệm rất nhiều tại trường, song khu bước chân vào thực tế công việc, Huân không khỏi “choáng ngợp”.
“Lúc học tại trường thì thực hành trên các máy nhỏ, độ phức tạp và độ khó ít hơn rất nhiều trong thực tế, tại các khu công nghiệp, các nhà máy, xưởng…quy mô vô cùng lớn, máy móc công nghiệp và khó khăn hơn rất nhiều trong quá trình xử lý, vận hành…Khi đó, em chỉ biết không ngừng cố gắng và học hỏi từ những người có kinh nghiệm, may mắn bạn bè và đồng nghiệp đều hòa đồng vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ khi em gặp khó khăn.” – Huân cho biết.
Ngành cơ điện tử hiện đang là ngành nghề “khát” nhân lực có kỹ năng tay nghề, nhưng đồng thời cũng là ngành nghề nguy hiểm, phải đối mặt với những tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chỉ sơ xảy bất cẩn trong giây phút.
Khi lắp đặt mạch điện phải đối mặt với nguy cơ cháy mạch, phát nổ hoặc bị điện giật, về phần cơ thì có thể bị kẹp tay, đứt tay hoặc bị máy cắt vào người…nên ngoài kiến thức chuyên môn, còn đòi hỏi người thợ cần có một đôi tay khéo léo, tinh thần tập trung cao độ và sự tỉ mỉ cẩn thận từng chi tiết nhỏ.
Hiện, Huân đang thực tập tại khu công nghiệp và có một mức lương ổn định. Em dự định sẽ tiếp tục học để nâng cao tay nghề thêm 1-2 năm nữa rồi chính thức đi làm. Đồng thời, Huân cũng xác định bản thân cần thêm sự kiên trì tự học và tìm hiểu nhiều hơn trong thực tế, tìm cách áp dụng những kiến thức đã học tại trường vào công việc.
Thúy Anh
- [E-Magazine] HCV Kỹ năng nghề quốc gia 2020 Ngô Tiến Đạt: Bí quyết thành công chỉ có 2 từ: “Kỷ luật”
- Tìm thấy đam mê nghề nghiệp “nhờ”….trượt đại học
- [E-Magazine] HCĐ Tay nghề thế giới Trần Nguyễn Bá Phước: “Học nghề giỏi là khả năng đặc biệt”
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới
- [E-Magazine] Gặp chàng trai bỏ ngang đại học theo đuổi đam mê máy móc