Trong khi những bạn sinh viên thành phố có thể thảnh thơi ngồi nhà với máy tính xịn, wifi mạnh để học online để tránh dịch covid-19, có những bạn sinh viên vùng cao vẫn đang tìm mọi cách để vượt khó khăn, tham gia vào những buổi học online cùng các bạn và thầy cô. Các bạn đã tạo thêm động lực vượt khó học tập cho chính những người bạn của mình.
Chàng trai Hà Giang học trên nương ngô
Phủ tấm bạt nhựa lên chiếc mái lán vừa dựng từ 12 thanh gỗ, Lầu Mí Xá vuốt mồ hôi rịn trên trán dù trời bên ngoài lạnh buốt. Nhìn quanh một vòng căn lán 15 m2 vừa được dựng trên đồi ngô, thanh niên 21 tuổi rút từ trong túi ra chiếc điện thoại, huơ huơ vài vòng trên đầu rồi mỉm cười khi thấy máy vẫn hiện sóng 4G.
“Thế là có chỗ để học online rồi”, Xá nói rồi cắm chiếc bóng đèn mới mắc trên cột vào ổ điện, căn lán bừng sáng. Sau 1 ngày, Lầu Mí Xá cùng với bạn dựng chiếc lán trên mảnh nương trồng ngô của người cô ruột ngày 3/4 để bắt sóng 4G học online.
Kể từ sau Tết Nguyên đán, Học viện Hành chính quốc gia, ngôi trường Lầu Mí Xá đang theo học cho sinh viên tạm nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lầu Mí Xá về nhà ở bản Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 120 km. Khi trường tổ chức học trực tuyến, Xá tưởng như mình sẽ phải bảo lưu học kỳ này bởi điểm trường Sủng Của, nơi có kết nối Internet duy nhất của thôn, cách nhà Mí Xá 1 km đã thành điểm cách ly tập trung cho những người đi làm ăn từ Trung Quốc về. Cậu sinh viên đã thử leo lên ngọn núi cao sau nhà “bắt Internet” nhưng sóng chập chờn, kết nối bị ngắt quãng.
“Một lần tình cờ đi qua đoạn đường này, thấy bắt được 4G nên em quyết tâm sẽ dựng lán ở đây để theo học lâu dài. Dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc”, Mí Xá nói.
Xuống Hà Nội 3 năm trước để theo học Học viện Hành chính quốc gia, ước mơ duy nhất của Mí Xá là được trở thành cán bộ xã. Cả nhà sống dựa vào nương ngô, nhiều khi cơm chẳng đủ ăn nhưng chưa bao giờ cậu ngưng ước mơ thuở nhỏ của mình.
Thi đỗ vào đại học, Mí Xá trở thành người duy nhất ở trong thôn với hơn 70 nóc nhà theo học đại học ở Thủ đô. Thôn toàn người Mông, tiếng Kinh không sõi, việc đi học của Mí Xá được bố mẹ và mọi người hiểu nôm là để trở thành cán bộ. “Có bác phó chủ tịch xã được mọi người trong xóm rất quý mến bởi cách sống tốt, hay giúp đỡ người khác. Bố mẹ nghĩ học cán bộ sẽ được như bác ấy nên ai cũng thấy vui”, Xá chia sẻ.
Năm thứ nhất đi học dưới Hà Nội, Mí Xá làm đủ nghề từ bốc vác cho đến thợ sơn để có tiền trang trải chi phí. Sau khi thi được bằng lái, cậu mang chiếc xe máy đổi từ con bò duy nhất trong nhà xuống Hà Nội để làm xe ôm công nghệ. Cứ sáng đi học, chiều chạy xe, tiền học được miễn, Xá nuôi đủ bản thân. Ba năm đi học ở thành phố, chàng thanh niên 21 tuổi chưa phải xin bố mẹ một đồng.
Căn lán mọc lên cạnh đường liên thôn nhận được sự chú ý từ nhiều người. “Mày làm gì thế hả Mí Xá, dựng để trông ngô à”, nhiều người hỏi cậu bằng tiếng Mông. “Để cháu học thôi”, Xá trả lời, trong khi người nghe vẫn thắc mắc tại sao việc học lại vất vả thế, phải dựng lán, không được về nhà.
Việc dựng lán để học online được chàng trai người Mông chia sẻ trên trang cá nhân nhận được hàng trăm lượt chia sẻ và quan tâm của nhiều người. “Vừa vui vừa tủi”, Xá nói lên cảm nhận của mình. Cậu hy vọng một ngày không xa có một cột sóng wifi để những xóm vùng cao như Sủng Của không còn phải dựng lán như vậy nữa.
Sáng 6/4, Xá tham gia buổi học online đầu tiên với 50 sinh viên tại lớp Quản lý Công K18. Trên chiếc bàn mới đóng từ những tấm gỗ cũ, thay vì đặt máy tính xách tay như nhiều sinh viên khác, Xá cầm chiếc điện thoại cùng tham gia lớp học.
Cô sinh viên Thương mại học online trên đỉnh Lân Luông
Ma Thị Tươim cô sinh viên Đại học Thương mại sinh ra và lớn lên ở vùng núi khó khăn thuộc xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, trường Tươi triển khai cho sinh viên học online do dịch bệnh. Ở vùng núi hẻo lánh, khu Tươi sống chỉ có thể bắt sóng Internet ở đỉnh dốc đầu làng. Những ngày đầu, cô nữ sinh 20 tuổi ôm sách vở, điện thoại ra ngồi học ở lề đường để hứng sóng.
Tuy nhiên, thấy con gái nhiều hôm đội mưa nắng ngồi học, bố Tươi quyết định dựng lán tạm ở đỉnh Lân Luông, một thung lũng có độ dốc cao, vắng người qua lại. cho con có chỗ trú, yên tâm học tập hơn từ 16/3.
Nói là ở đầu làng nhưng cũng cách nhà Tươi khoảng 3 km, đi xe máy mất khoảng 15 phút còn đi bộ cũng tốn gần 30-35 phút. Quanh đó không có nhà ở, khá hẻo lánh.
Lịch học của Tươi kéo dài từ thứ 2 đến thứ 6, cứ khi nào có tiết, cô lại cầm theo chiếc điện thoại, laptop cũ ra lán học. Những hôm chỉ học ca sáng hoặc chiều thì đỡ mệt, có hôm học cả ngày, Tươi phải ra lán từ sớm, lúc thì nhịn qua bữa mới về nhà ăn cơm vì không kịp chạy đi chạy lại, lúc nhờ người thân đem cơm ra cho.
Ban đầu còn sợ, Tươi rủ em gái ra ngồi học chung, khi dần quen, cô gái nhỏ một mình chạy chiếc xe máy của bố ra lán.
Khi được hỏi thân con gái có sợ chạy xe đường núi ngoằn ngoèo nguy hiểm, Tươi đáp tự tin: “Dân núi mà, đường trơn trượt mình cũng chạy được hết. Khổ thì mình cũng quen rồi”.
Ở xóm Cao Biền, không chỉ mình Tươi mà có khoảng 10 học sinh, sinh viên khác cũng phải tìm nơi “hứng sóng” học bài khi ở nhà. Về phần mình, mỗi khi có tiết học trùng nhau, Tươi lại rủ cô bạn thân tên Duyên, sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ra lán học chung cho đỡ chán.
Đối với Tươi, việc phải lội đường xa đi bắt sóng học dù vất vả nhưng cô cũng nhanh chóng làm quen. Tuy nhiên, “ác mộng” nhất đối với Tươi có lẽ là những hôm trời ẩm ướt, ngồi học giữa rừng nên cô bị muỗi, côn trùng đốt rát cả chân. Ma Thị Tươi, hiện đang là sinh viên năm 2 khoa Khách sạn – Du lịch của trường Đại học Thương mại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc học tập nhưng Tươi chưa từng nghĩ đến việc bỏ học. Điều động viên với Tươi là dù hoàn cảnh không mấy dư dả nhưng bố mẹ em luôn cố gắng tạo điều kiện để Tươi được đi học.
Theo TM (Vne)