Từ thực tế của địa phương, nhằm phát huy hiệu quả các mô hình du lịch, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2020, trong đó mục tiêu sẽ hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số nơi, qua đó sẽ mở ra những cơ hội mới xóa đói giảm nghèo, giúp người dân làm giàu ngay từ chính thế mạnh của địa phương.
Có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích trải nghiệm để khám phá văn hóa bản địa. Ở miền Bắc, du lịch cộng đồng đã phát triển tại một số địa phương và thu hút đông đảo khách du lịch như: Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang)…
Bắc Giang có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng nhờ các khu rừng nguyên sinh, những vùng quê có nhiều dân tộc đồng bào ít người sinh sống còn giữ nhiều bản sắc văn hóa, ẩm thực độc đáo… . Từ năm 2010, loại hình du lịch này đã xuất hiện tại xã An Lạc, Tuấn Mậu (Sơn Động) khi nhiều khách nước ngoài có nhu cầu trải nhiệm, lưu trú dài ngày. Nhiều địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như: Bản Xoan, xã Xuân Lương (Yên Thế), bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam), Khuôn Thần (Lục Ngạn), Đồng Cao (Sơn Động)… Tuy nhiên các điểm du lịch cộng đồng này chưa được đầu tư đúng mức. Các dịch vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sản vật địa phương chưa được tận dụng phục vụ du lịch…
UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2020 nhằm thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ, phát huy tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống; khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú và đặc sắc của địa phương, mang đến cho du khách một sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020”, năm 2020 phấn đấu thu hút 20 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 2 nghìn lượt.
Để giúp người dân phát triển du lịch cộng đồng, vài năm gần đây, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang liên tục tổ chức nhiều lớp tập huấn, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương như Hà Giang, Hòa Bình… cho cán bộ quản lý và các hộ dân, từ đó đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả từ một số mô hình.
Anh Nguyễn Hùng và chị Thu Huyền cùng đoàn khách đến từ Hà Nội trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi rất thích thú khi vừa trải qua kỳ nghỉ cuối tuần tại thôn Nà Ó – xã An Lạc (Sơn Động). Anh chị cho biết: Đoàn rất thích thú khi có những trải nghiệm tuyệt vời tại Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Vũng Tròn, thác Đồng Dương cùng những cánh rừng nguyên sinh và nhiều loại động vật quý hiếm. Thích nhất là dân cư trong vùng chủ yếu là bà con dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Tại thôn Nà Ó, đoàn du khách Hà Nội đã có những phút giây vui vẻ, được ăn nghỉ, sinh hoạt, giao lưu với người dân trong bản, thưởng thức các món ăn độc đáo như xôi 7 màu, trứng kiến, cá suối, nhộng ong, măng rừng…
Được biết, HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc đã thành lập các tổ: Hát then, đàn tính; nuôi ong, thuốc nam; vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên. Hiện có 5 gia đình đầu tư nhà sàn lưu trú phục vụ khách tham quan. Năm 2019, Nà Ó đón khoảng 19 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Tới đây, HTX tiếp tục mở rộng các loại hình dịch vụ, đặc biệt trưng bày không gian trang phục của các dân tộc. Du khách có thể hoà mình vào những trang phục truyền thống, trải nghiệm thực tế cùng ăn, ở, lao động với người dân bản địa.
Huyện Lục Ngạn là điểm sáng về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với thế mạnh sinh thái-nghỉ dưỡng, miệt vườn. Với nhiều thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn cùng 27 nghìn ha cây ăn quả trải đều 4 mùa, nhiều điểm du lịch tâm linh và khả năng kết nối với các điểm du lịch của Sơn Động và Lục Nam, huyện Lục Ngạn có sức hấp dẫn đối với du khách. Đầu tháng 12 – 2019, Công ty TNHH Giáo dục, Trải nghiệm Dream Green đầu tư mô hình trải nghiệm miệt vườn tại xã Thanh Hải.
Một địa chỉ du lịch cộng đồng khá hút khách khác là Bản Ven nằm trong quần thể du lịch Xuân Lung-Thác Ngà, xã Xuân Lương (Yên Thế) có khoảng 150 hộ với hơn 90% dân số là người dân tộc Cao Lan. Đến khu vực này, du khách được trải nghiệm hái, sao chè; thăm gian trưng bày, giới thiệu các sản vật, nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; các trang trại nuôi gà đồi; vượt thác; leo núi; tránh nắng dưới tán rừng nguyên sinh, thưởng thức các món ăn độc đáo của dân tộc Cao Lan như xôi ngũ sắc, chân giò hầm thảo dược, lợn rừng, trám đen…
Đẩy mạnh hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng
Tuy đã có những tín hiệu khởi đầu đáng mừng song qua khảo sát, đánh giá của chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp du lịch, hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông, điện, nhà lưu trú, các công trình vệ sinh ở các khu, điểm có khả năng phát triển DLCĐ chưa được đầu tư, cải tạo nhiều; việc tổ chức điều hành cùng các dịch vụ chưa thực sự chuyên nghiệp. Ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, dù tiềm năng để phát triển DLCĐ của huyện lớn song nguồn vốn để đầu tư làm du lịch (nhà ăn, ngủ, nghỉ, mua sắm, vui chơi, trải nghiệm…) trong dân khó khăn; nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển DLCĐ còn hạn chế.
Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 1182/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng năm 2019 – 2020.
Theo đó, Kế hoạch Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng năm 2019 – 2020 được triển khai tại thôn Nà Ó (xã An Lạc, huyện Sơn Động); bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế) và vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.
Theo nội dung được phê duyệt, Kế hoạch Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang năm 2019 – 2020 tập trung vào triển khai các nội dung: Xây dựng mô hình quản lý du lịch cộng đồng; Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển mô hình du lịch cộng đồng; Tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; Giới thiệu, quảng bá, kết nối tour du lịch; Hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tour du lịch khảo sát; Tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, kết nối các tour, tuyến du lịch của tỉnh, trọng điểm là các thôn, bản du lịch cộng đồng; Phối hợp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng…
UBND các huyện có điểm du lịch cộng đồng: Tiếp tục đầu tư sửa chữa hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch, các điểm tham quan gần điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại điểm du lịch cộng đồng, tham quan vườn cây ăn quả; Tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua xây dựng các chính sách bảo tồn và quản lý tài nguyên du lịch, xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh và thương hiệu du lịch của huyện. Tạo điều kiện cho người dân mở rộng các loại hình dịch vụ du lịch, thu hút sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
UBND các xã có điểm du lịch cộng đồng: Chỉ đạo, đôn đốc các hộ gia đình thực hiện các tiêu chí của du lịch cộng đồng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh khu du lịch luôn sáng, xanh, sạch đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.
Bắc Giang cũng mời gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực, tâm huyết và có tính chuyên nghiệp cao nhằm đầu tư cho du lịch cộng đồng có trọng điểm, tránh dàn trải.
Lý Nhân