Với mong muốn bảo vệ quyền lợi, xây dựng môi trường trong sạch cho NLĐ Việt, dự án “Vết xe hy vọng Việt Nhật” (IEVJ) ra đời củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời, trở thành cầu nối việc làm giữa DN Nhật và NLĐ Việt Nam.
Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép hoạt động, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp này đưa hơn 102.000 NLĐ Việt đi làm việc nước ngoài.
Với sứ mệnh xây dựng môi trường trong sạch, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ Việt đã, đang và sẽ sang Nhật học tập, làm việc cũng như đóng vai trò là cầu nối việc làm giữa doanh nghiệp Nhật và NLĐ Việt, dự án IEVJ hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận được thành lập bởi chính những người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Kinh phí cho dự án được đóng góp từ chính các thành viên sáng lập.
“Chúng tôi mong muốn dự án được duy trì lâu dài, phát triển bền vững trong tương lai và trở thành địa chỉ tin cậy giúp đỡ được nhiều thực tập sinh, du học sinh cũng như NLĐ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật ” – TS. Fushihara Hirota, đại diện của dự án cho biết tại cuộc họp về “Chuẩn bị nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư mới” do bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức vào chiều 20/1 tại Hà Nội với sự góp mặt của khối các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hiện, Dự án IEVJ đã được bắt đầu triển khai với sự góp sức của những tình nguyện viên người Nhật Bản và Việt Nam. Tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo môi trường không có rủi ro, bảo vệ quyền con người cho giao lưu con người giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Cụ thể, Trung tâm cứu trợ thiệt hại đồng hành và chia sẻ hỗ trợ giải quyết các vấn đề và tiếp nhận trao đổi từ lưu học sinh, thực tập sinh kỹ năng bị thiệt hại…
Cung cấp thông tin điều tra, đánh giá và xếp hạng các công ty trung gian cho các bạn trẻ có mong muốn sang Nhật Bản, tạo nên nguồn cơ sở dữ liệu tham khảo cho NLĐ lựa chọn một công ty xuất khẩu lao động phù hợp, uy tín theo tiêu chí trung lập và khách quan.
Hỗ trợ định hướng việc làm sau khi NLĐ Việt kết thúc thời hạn lao động ở Nhật và trở về nước. Những NLĐ này đã trải qua quá trình học tập thực tế, kinh nghiệm từ quá trình làm việc tại Nhật, dựa trên đầu mối liên hệ tại Nhật cũng như tại Việt Nam, hỗ trợ kết nối NLĐ với doanh nghiệp có ngành nghề tương tự. Từ đó, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ sau khi về nước, giải quyết lượng lớn nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Với ý nghĩa tốt đẹp vì mối quan hệ bền vững, phát triển giữa 2 nước, Dự án nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ các cơ quan, tổ chức như Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng những cá nhân người Nhật xem Việt Nam là quê hương thứ hai.
Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hoạt động một cách tích cực hơn nữa, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối với các tổ chức, cá nhân ở Nhật Bản “cùng chí hướng” bảo vệ quyền của NLĐ Việt tại Nhật.
Thúy Anh