25/08/2020 11:26:36

Đổi mới và phát triển GDNN nhằm tăng sức hấp dẫn với học sinh

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang phải đối diện với 3 thách thức lớn, đó là: Chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững. Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới chất lượng và phát triển hội nhập trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhiều cơ sở GDNN được các nước như Đức, Austrailia… công nhận năng lực để đào tạo nghề theo chuẩn

Từng bước tiếp cận các tiêu chuẩn khu vực và thế giới

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hội nhập và đổi mới GDNN là một quá trình lâu dài, đã được chuẩn bị khá công phu và có lộ trình, chứ không phải đến nay mới bàn. “Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã phản ánh rất nhiều tiêu chuẩn mà GDNN của chúng ta phải tiếp cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau đó năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1982 quy định về Khung trình độ Quốc gia của Việt Nam, trong đó có 8 bậc giáo dục đào tạo thì GDNN có 5 bậc. Khung này đã tham chiếu khung trình độ của ASEAN và châu Âu”, ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

Về mạng lưới, các cơ sở GDNN cũng tiếp cận được các tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Hiện, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường CĐ, 458 trường trung cấp và 1.052 các trung tâm GDNN. Gần đây nhất, Quyết định 1363 của Thủ tướng Chính phủ năm 2019 có đặt mục tiêu đến 2020 có 40 trường chất lượng cao, đến 2025 có 70, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước trong ASEAN và quốc tế công nhận.

Ông Vũ Xuân Hùng cũng thông tin, đến nay, rất nhiều chỉ tiêu đã đạt được. Chẳng hạn, 25 trường đã có đủ năng lực được Australia công nhận để đào tạo 12 nghề theo chuẩn của họ và đã hoàn thành đào tạo. Mới đây, tiếp tục có 45 trường nghề đủ năng lực và được phía Đức công nhận đủ tiêu chuẩn để đào tạo 22 nghề.

“Đó là cách chúng ta tiếp cận nhanh nhất với các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực. Người học xong chương trình này được cấp 2 bằng, 1 của Việt Nam và 1 của Australia hoặc của Đức để không chỉ có thể tham gia thị trường lao động Việt Nam mà còn của khu vực, quốc tế. Những học viên trong chương trình thí điểm của Australia vừa rồi hoặc làm việc tại nước ngoài hoặc tại các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn ở nước ngoài”, ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, các điều kiện bảo đảm chất lượng gần đây đã được cải thiện rất nhiều. “Đến năm 2020, chúng tôi đã ban hành được 600 chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho 300 ngành nghề phổ biến, quan trọng, trọng điểm, nghề nặng nhọc, nguy hiểm”, ông Vũ Xuân Hùng chia sẻ thêm.

Các chuẩn đầu ra này khi xây dựng đã tiếp cận các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, về kiến thức, kỹ năng, thái độ trách nhiệm… Các kỹ năng của CMCN 4.0, ví dụ tin học, ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác… đã được đưa vào. Chuẩn đầu ra đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, các trường căn cứ để xây dựng chương trình.

Thêm các mô hình học mới thu hút học sinh

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là mô hình đào tạo trình độ CĐ cho đối tượng tốt nghiệp THCS (mô hình 9+) trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Mô hình học 9+ là phương án học tập hiệu quả đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.

Mô hình học 9+, hình thức “học nước rút” – học sinh tốt nghiệp THCS và theo học trung cấp là phương án học tập hiệu quả đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới với thời gian học ngắn, tiết kiệm chi phí học tập. Từ năm 2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khuyến khích các trường nghề xây dựng chương trình, tuyển sinh và đào tạo theo chương trình 9+.

Các chuyên gia đánh giá, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.

Theo Tổng cục GDNN, thực tế mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình 9+ đang tái khởi động lại nhằm định hướng phân luồng ngay từ trung học cơ sở (THCS). Hiện, một số mô hình triển khai trong thời gian qua đã thành công và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Đối với học sinh, việc lựa chọn mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

Thực tế cho thấy, số lượng HS tốt nghiệp THCS đi học nghề theo chương trình 9+ tăng lên rõ rệt nhưng rào cản lớn nhất là đa số phụ huynh vẫn mong muốn con mình có được cả tấm bằng THPT sau khi tốt nghiệp trường nghề. Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng cho rằng, học trung cấp, nhất là các ngành kỹ thuật, các em không bắt buộc phải học văn hóa THPT vì nhiều DN chỉ cần có tay nghề. Tuy nhiên, nếu các em muốn học lên lên trình độ cao hơn thì đăng ký học 4 môn (nếu muốn học từ trung cấp lên CĐ) và 7 môn (nếu muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT). Hiện, Tổng cục GDNN đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định khối lượng văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề và quy trình xác nhận việc hoàn thành chương trình THPT để thay thế Thông tư của Bộ GD&ĐT đã hết hiệu lực. Theo đó, sẽ cấp giấy xác nhận cho người học đã hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông khi học chương trình 9+, giúp người học có thể liên thông lên các trình độ cao hơn.

Minh Khôi (Tổng hợp)