Sức sống mãnh liệt của loài cỏ bàng mỏng manh ở quê hương xứ Huế đã tiếp thêm sức mạnh để Hồ Thị Sương Lan vươn lên cùng lĩnh vực sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp.
Bén duyên với… cỏ bàng
Năm 2020, như nhiều doanh nghiệp du lịch khác, công ty lữ hành do chị Hồ Thị Sương Lan làm giám đốc cũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải tạm đóng cửa vì đại dịch. Không chịu ngồi yên để Covid-19 cuốn đi, trong mối băn khoăn trăn trở tìm hướng đi mới để duy trì việc làm, thu nhập cho nhân viên, chị nhận ra rằng, xứ Huế thật phù hợp để làm các sản phẩm quà tặng du lịch mang đặc trưng địa phương.
“Ở Huế, đã có doanh nghiệp làm nón lá sen, nón lá bàng, nhưng chưa có nơi nào làm nón từ cỏ bàng. Thế là tôi tìm về làng Phò Trạch (huyện Phong Điền) để tìm hiểu và hợp tác với bà con”, chị Lan chia sẻ.
Những ngày đầu, CEO Hồ Thị Sương Lan phải liên tục đi đi, về về giữa Huế và làng Phò Trạch để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với bà con nông dân về ý tưởng, tỉ mỉ chọn nguyên liệu, thiết kế mẫu. Chị còn tìm mua hàng chục mẫu vải linen, zèng, thổ cẩm… để phối thêm cho sản phẩm.
Khác với cỏ bàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cỏ bàng làng Phò Trạch thân nhỏ, mềm mại, nhưng dai chắc. Càng tìm hiểu, chị càng say mê với loài cỏ mỏng manh nhưng mang sức sống mãnh liệt này. Ở những đồng đất thấp trũng, lúa cấy xuống không sống nổi, thì cây cỏ bàng lại ngạo nghễ vươn lên.
Chị Lan kể, việc nghiên cứu cách nhuộm màu thủ công cho cỏ bàng tốn nhiều thời gian và tâm sức của chị. Và lạ thay, như hiểu được tâm tình của chị, cỏ bàng như bừng sức sống mới với đa sắc màu quen mà lạ, từ da lan, xanh coban, đến cam đất, tím Huế.
Với sự hỗ trợ, hợp tác của người dân làng Phò Trạch, Hồ Thị Sương Lan đã cho ra lò nhiều sản phẩm thú vị từ cỏ bàng như nón lá, ví, túi xách… “Càng làm, tôi càng yêu thích. Tôi cũng xúc động trước tâm tình của người dân làng nghề truyền thống này. Họ mong muốn gìn giữ, bảo tồn sản phẩm văn hóa – nét riêng độc đáo của làng Phò Trạch, cũng như tạo cơ hội tăng thu nhập cho nông dân”, chị Lan nhớ lại.
Con mắt nhạy bén của người làm kinh doanh gần 20 năm giúp chị Lan thấy được cơ hội phát triển của sản phẩm thủ công “handmade” từ cây cỏ bàng và quyết tâm tìm hướng đi mới, đưa cỏ bàng “bay cao, bay xa” bằng thương hiệu Marie’s.
Từ quyết tâm ấy, người phụ nữ Huế có vóc dáng mảnh mai đã lặn lội giữa các vùng nguyên liệu, nhập hàng thô từ làng Phò Trạch, đưa tranh màu acrylic (còn được gọi là màu 3D) vào để nâng cấp cho sản phẩm và hướng tới phân khúc khách hàng có nhu cầu làm đẹp, có điều kiện kinh tế.
Chị cũng tìm cách kết nối nhiều nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống khác nhau nhằm tạo ra những sản phẩm thủ công tinh tế đạt tiêu chuẩn Marie’s. Nhưng khi trao đổi ý tưởng của mình với các họa sỹ, thợ may nổi tiếng, chị nhận được nhiều cái lắc đầu. “Chất liệu gì mà kỳ kỳ, vẽ rất khó”, họ nói.
Nhiều thợ may lúc đầu nhận lời, nhưng sau cũng bỏ việc vì may trên cỏ bàng đòi hỏi tay nghề và sự tỉ mỉ cao. Trong khâu hoàn thiện sản phẩm, chị còn tự làm khó mình khi sử dụng chất liệu vải linen, cotton… thay thế mây, tre, gỗ thông thường cho sản phẩm thêm phần độc đáo.
Đưa cỏ bàng “bay cao, bay xa”
Sau bao khó khăn, bà chủ thương hiệu Marie’s đã biến những sản phẩm thủ công ít ai để ý trở thành món quà tặng đẳng cấp trên các kệ hàng tại sân bay, khu mua sắm, cửa hàng lưu niệm… “Công việc nào cũng có khó khăn và đặc trưng riêng. Điều thú vị là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Marie’s cũng liên quan đến du lịch – cái nghề đã theo tôi suốt 10 năm qua”, chị Lan tâm sự.
Theo chị Lan, thực ra, hàng thủ công mỹ nghệ rất được du khách yêu chuộng, nhưng sản phẩm còn khá đơn điệu, nên khó hút khách. Marie’s tự đặt ra sứ mệnh giải bài toán này, mang sản phẩm thủ công thẩm mỹ, chất lượng, đa giá trị và dịch vụ ưu việt đến khách hàng cả trong nước và nước ngoài.
CEO Maries còn đưa hội họa vào các sản phẩm với những họa tiết trang trí vẽ tay tinh tế, sống động, tạo sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và nghệ thuật. Mỗi món quà đều được làm từ khối óc, con tim của những nghệ nhân. Giờ đây, thời trang túi xách, ví, mũ đan tay từ cỏ bàng thương hiệu Marie’s đã được khách hàng đón nhận. Với tính thời trang, ứng dụng cao, Marie’s nhận được nhiều đơn đặt mua từ khách trong nước, quốc tế.
“Hoa văn, họa tiết là sự sáng tạo, ngẫu hứng của nghệ nhân, nên mỗi sản phẩm của Marie’s là sản phẩm độc nhất. Vì vậy, dù bỏ ra số tiền không rẻ, từ 200.000 đến 600.000 đồng/chiếc, nhưng khách hàng vẫn rất vui vẻ khi sở hữu sản phẩm”, CEO Sương Lan thổ lộ.
Marie’s đã sớm khẳng định được thương hiệu và tăng trưởng mạnh trong những tháng cao điểm hè năm nay, cùng lúc với sự phục hồi của ngành du lịch. Phản hồi tích cực của thị trường tạo thêm động lực cho Lan và cộng sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Ngoài những mẫu do khách đặt, hàng trăm thiết kế khác được chị cùng đội ngũ phác thảo theo xu hướng truyền thống và hiện đại, từ họa tiết, khung túi, dáng túi đều phù hợp xu hướng thời trang.
Chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu của Marie’s đã tăng gần gấp 3 lần so với những tháng đầu. Điều này giúp chị Lan thêm phần tự tin trên con đường đưa hàng thủ công từ cỏ bàng đến nhiều vùng đất, quốc gia khác nhau.
CEO Hồ Thị Sương Lan quan niệm, trong quá trình xây dựng thương hiệu, Công ty sẽ không cạnh tranh với nông dân. Vì vậy, chị không ưu tiên trồng vùng nguyên liệu thứ hai bên cạnh vùng nguyên liệu của nông dân địa phương vào ngay thời điểm đầu của dự án.
“Sau này, nếu thiếu nguyên liệu, mình sẽ xin chủ trương của tỉnh, huyện, trồng thêm để duy trì. Còn bây giờ, khi người dân vẫn cung cấp được nguyên liệu, thì mình sẽ tập trung đầu tư cho sản xuất và kinh doanh”, Lan bộc bạch.
Marie’s còn thực hiện các dự án giáo dục nghề truyền thống miễn phí cho phụ nữ và người trẻ đang sinh sống ở các làng, tăng thu nhập cho nghệ nhân, để họ yêu và giữ nghề, cũng như cùng Marie’s phát triển ra thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện thương hiệu nón cỏ bàng Marie’s đang được du khách đón nhận và đánh giá cao, doanh thu hằng tháng tăng trưởng mạnh. Khi du lịch dần phục hồi, con đường phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của cô gái Huế cũng bớt gập ghềnh hơn…
- Giấc mơ vươn ra thế giới
Tháng 1/2021, Marie’s khai trương cửa hàng ở phố đi bộ TP. Huế và dự kiến mở chuỗi cửa hàng ở các tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời, Công ty lên kế hoạch vươn tầm quốc tế – nơi có nhiều khách hàng yêu chuộng sản phẩm thủ công theo xu hướng thời trang xanh trên cơ sở đẩy mạnh tiếp thị, bán hàng kênh online.
Sắp tới, Marie’s dự định mở đại lý tại các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ. Khoắc khoải về việc xuất khẩu, chị Lan nói: “Tôi đang cố gắng tiếp cận chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề. Tôi cũng sẽ phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo cho việc xuất khẩu”. - PV