Học sai ngành, chọn sai trường phù hợp với năng lực bản thân dẫn tới kết quả học tập không cao, hệ lụy là khó tìm việc làm, thiếu kỹ năng làm việc… là hiện trạng của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp và hướng nghiệp cho học sinh cũng là một nội dung quan trọng của báo chí điện tử góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh đang ngày càng hiệu quả
Tại Hội nghị đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, năm 2022, theo đánh giá sơ bộ, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt được các chỉ tiêu đề ra. Nhận thức của xã hội về học nghề đã thay đổi tích cực; Doanh nghiệp tin tưởng chất lượng của các trường nghề, doanh nghiệp quốc tế sẵn sàng đầu tư thiết bị, cử chuyên gia sang để cộng tác với nhà trường. Để làm nên những thành công đó là sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Những thông tin trên báo chí nói chung về định hướng nghề nghiệp cho học sinh thời gian qua rất đa dạng, đã chỉ ra những lỗ hổng kiến thức, sai lầm thường gặp khi mỗi cá nhân chưa hiểu đúng và đủ về hướng nghiệp. Từ đó, sinh viên được gợi mở các công cụ hỗ trợ cá nhân nhằm thiết lập hành trình nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm sở thích, sở trường, tính cách, khả năng, năng lực… của bản thân và bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động. Những thông tin về nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp do báo chí phản ánh chính xác, kịp thời, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng cũng chỉ ra những hạn chế cơ bản trong công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Đó là, sự phối hợp của các cơ quan trung ương, cơ sở và xã hội với báo chí còn hạn chế. Hệ thống chưa sẵn sàng cho công tác tuyên truyền, cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin. Nguồn lực dành cho việc truyền thông bị cắt giảm đáng kể, thủ tục thực hiện nguồn lực cũng thay đổi phức tạp.
Khảo sát từ thực tiễn 3 báo, tạp chí
Báo Dân trí
Báo Dân trí ra đời năm 2005, tiền thân là trang thông tin điện tử trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Sau 3 năm trưởng thành và định hình phong cách, Dân trí chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử vào ngày 15/7/2008. Từ ngày 14/7/2020, báo điện tử Dân trí chính thức trở thành báo điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Báo điện tử Dân sinh
Báo điện tử Dân sinh là một trang báo điện tử trực thuộc Báo Lao động -Thương binh và Xã hội. Ngày 25/8/2019, báo điện tử Dân sinh chính thức ra mắt giao diện mới trên nền tảng công nghệ mới, với nội dung và hình thức mới nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của độc giả cả nước, đồng thời tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng và nhà nước, các lĩnh vực công tác của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống
Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động từ tháng 10/2009 đối với bản in và tháng 9/2019 đối với bản điện tử.
Tạp chí có chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội, lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội tới hội viên của Hiệp hội và bạn đọc cả nước.
Từ khi có giấy phép tạp chí điện tử 9/2019 tạp chí định hướng phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng nghề nghiệp.
Thấy gì về quản trị nội dung định hướng nghề nghiệp trên 3 báo, tạp chí
Qua khảo sát Báo điện tử Dân trí, Báo điện tử Dân sinh, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, về cơ bản, chủ thể quản trị của 3 báo thuộc diện khảo sát đã đảm bảo quy trình chặt chẽ, thông tin định hướng nghề nghiệp cho học sinh đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Thông tin đa dạng và linh hoạt trong cách thức đưa thông tin. Để làm tốt công tác tuyên truyền về định hướng nghề nghiệp trong học sinh phổ thông, học sinh các trường nghề, ba cơ quan báo điện tử nêu trên đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền hàng năm, hàng quý, hàng tháng. Các tòa soạn đã chủ động trong việc lập kế hoạch, biên tập, cung cấp nội dung cho các nhà báo, tài trợ và tổ chức điều phối các hoạt động thông tin tại địa phương. Nội dung thông tin của báo chí cơ bản đến được với đông đảo nhân dân, đặc biệt là sinh viên và giới chuyên môn.
Các báo đã có sự phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền sâu rộng đảm bảo phản ánh chính xác, toàn diện thực trạng thông tin xu hướng nghề nghiệp, chế độ chính sách đang được hiện hành. Các thông điệp rõ ràng, đầy đủ mang tính định hướng nghề nghiệp và tập trung vào từng giai đoạn để có hiệu quả nhất.
Ví dụ: Thời điểm các tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp tổ chức các Hội chợ, ngày hội việc làm; thời điểm từ tháng 6, tháng 7 là giai đoạn thi THPT và đăng ký xét tuyển chọn trường của thí sinh; các tháng 11, 12 là thời điểm các trường THPT đẩy mạnh việc tư vấn chuyển cấp, giới thiệu nghề…
Ngoài những tin, bài được lên kế hoạch sản xuất theo quý, theo năm, còn có những tin bài đột xuất, mới lạ phù hợp với hoàn cảnh thực tế để nâng cao hiệu quả truyền thông về hoạt động hướng nghiệp thông qua các buổi tọa đàm, tư vấn trực tiếp.
Làm thế nào để nâng cao năng lực tổ chức, quản trị nội dung định hướng nghề nghiệp?
Từ thực tế khảo sát về quản trị nội dung định hướng nghề nghiệp cho HSPT, học sinh trường nghề tại báo Dân trí, báo Dân sinh và tạp chí Nghề nghiệp cuộc sống, để quản trị hiệu quả hơn, tác giả cho rằng cần tập trung vào đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng như có các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, hiệu quả.
Báo điện tử hoạt động trong môi trường Internet toàn cầu và dựa trên nền tảng công nghệ thông tin được vận hành bằng các phương tiện công nghệ tiên tiến, số hóa, máy tính và máy chủ nối mạng, phần mềm ứng dụng. Vì vậy, không thể phát triển báo điện tử nếu không có công nghệ phù hợp với nội dung của báo điện tử. Đối với các sản phẩm truyền thông hướng nghiệp ngày càng đòi hỏi phải đáp ứng được các báo điện tử có cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, được truyền thông rộng rãi và nhanh chóng tới bạn đọc. Giúp bạn đọc duyệt, đọc, nghe và tải thông tin, dữ liệu một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Báo điện tử cho phép số lượng lớn độc giả đọc đồng thời, tải trang báo, tải video clip nhanh nhất có thể. Vì vậy, trong khi mua phần mềm phát triển nội dung, cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ để nâng cao năng lực hạ tầng của báo điện tử.
Truyền thông hướng nghiệp cho học sinh các trường nghề là một nội dung không chỉ quan trọng đối với học sinh, gia đình, mà còn đặc biệt quan trọng đối với xã hội. Hiệu quả của hoạt động này sẽ góp phần tích cực vào việc hợp lý hóa nguồn lực, tránh hiện tượng mất cân đối nguồn nhân lực “thừa thầy, thiếu thợ” trong thời gian vừa qua. Vì thế, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và báo chí cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới./.
Lê Thế Toàn
Tài liệu tham khảo
- Hoàng Thị Anh, Nguyễn Văn Lê – Viện nghiên cứu con người Việt Nam (2004), Nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục phổ thông và hướng nghiệp, vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị – Hội thảo ĐHQGHN, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đặng Danh Ánh (2010), Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
- Hải Bình (2019), Công bố kết quả nghiên cứu khảo sát việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 25/7/2019.
- Nguyễn Văn Dững (chủ biên) -TS Đỗ Thị Thu Hằng, 2006, Truyền thông lý thuyết và kỹ năng cơ bản, NXB Chính trị quốc gia.
- Nguyễn Văn Dững, 2011, Báo chí truyền thông hiện đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
- Nguyễn Thị Trường Giang (2011), Báo mạng điện tử – Những vấn đề cơ bản, Nxb Chính trị Hành chính, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Trường Giang (2011), Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, Nxb Chính trị – Hành chính