20/11/2020 3:08:00

Đề xuất nâng chuẩn mức sống tối thiểu lên 2.065.000 đồng/tháng với thành thị

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh chuẩn mức sống tối thiểu là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

ảnh minh họa

Bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quy định về chuẩn nghèo đã bộc lộ một số nội dung lạc hậu, bất cập. Cụ thể, chuẩn nghèo về thu nhập bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015 với mức 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị đã không còn phù hợp và không thể áp dụng cho giai đoạn 2021-2025.

Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, khó đo lường, khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội giai đoạn tới, gồm chỉ số tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng chuẩn nghèo chưa phân loại chính xác các nhóm hộ nghèo theo nhu cầu cần hỗ trợ, phản ánh các đặc điểm nổi bật của hộ; đặc biệt là nhóm hộ nghèo “kinh niên” thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Do vậy, thiếu các cơ chế, chính sách, giải pháp tác động phù hợp đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Để khắc phục những bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng chuẩn mức sống tối thiểu là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, chuẩn mức sống tối thiểu này được xác định dựa trên phương pháp tính toán chi phí cho các nhu cầu tối thiểu của con người (chi tiêu cho lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu năng lượng (Kcal) tối thiểu cần thiết để duy trì sinh hoạt bình thường của con người và các chi tiêu phi lương thực, thực phẩm) và được quy ra bằng tiền.

Phương pháp này được các tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng cho các nước đang phát triển, cũng là phương pháp đã được áp dụng từ trước đến nay ở Việt Nam.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị bổ sung những quy định về tiêu chí nghèo đa chiều, tiêu chí về thiếu hụt các dịch vụ cơ bản…

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng chuẩn nghèo mới không làm gia tăng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (do Chính phủ bố trí nguồn lực tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách).

Trong 27 năm vừa qua, Việt Nam đã 07 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo chủ trương chuẩn nghèo giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước và tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu.

Qua tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của Bộ LĐ-TB&XH, việc xác định tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu giai đoạn 2021-2025 phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mục tiêu nâng cao mức sống đối với người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội, được quốc tế đánh giá là thành tựu nổi bật Việt Nam trong công tác giảm nghèo trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, các đối tác phát triển quốc tế khuyến nghị Chính phủ ban hành chuẩn nghèo mới có tiêu chí thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu vì Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, bảo đảm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Theo ANTD.VN