Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội” – trong khuôn khổ Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, chiều 1/10.
Ngày 1/10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (Innovate Viet Nam 2024) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sau 5 năm xây dựng, NIC đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, startup và nhà nghiên cứu phát triển và ứng dụng những công nghệ tiên tiến. Trung tâm phát huy vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hệ sinh thái AI và bán dẫn cũng như vận hành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đồng thời, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã góp phần quan trọng để thúc đẩy cơ chế hợp tác thực chất giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước đóng vai trò trung tâm, kết nối nguồn lực, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển chung, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các startup trong các giai đoạn phát triển.
Chiều 1/10, tại Hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang ở trong thời điểm hết sức quan trọng với sự phấn đấu cao nhất để vượt khó khăn thách thức hướng đến mục tiêu 2021-2025 và chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn 5 năm còn lại trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030.
Điều này này càng đặc biệt quan trọng khi Đại hội XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bộ trưởng Dũng lý giải, theo tổng kết của World Bank, thế giới chỉ có 43 nước vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thu nhập cao. Nếu không tính các nước châu Âu hay quốc gia và vùng lãnh thổ có tài nguyên dầu mỏ, tại châu Á, chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thực hiện được.
Lịch sử cho thấy nước đạt thu nhập cao có tốc độ tăng trưởng hai con số kéo dài từ 20-30 năm. Nếu đi những bước đi tuần tự như trước đây, Việt Nam sẽ không có cách nào để đạt được mục tiêu. Bởi trên thực tế, quỹ thời gian còn rất ít, chỉ còn 6 năm cho đến cột mốc năm 2030 và 21 năm đến mốc năm 2045.
“Mục tiêu đề ra ở mức cao, thách thức lớn và thực tiễn cho thấy không dễ. Việt Nam chỉ có thể dựa vào khoa học đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, dựa vào văn hoá và sức mạnh của con người Việt Nam để trỗi dậy vươn lên” – người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Cũng theo ông Dũng, không phải Việt Nam không có cơ hội hay nguồn lực. Điều quan trọng là phải có các bước đi và quyết tâm để nắm bắt cơ hội dù là nhỏ nhất, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng các ngành công nghiệp mới nổi, trong đó có ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Phải hoàn thành mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn, AI
Trong phần chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam hiện đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Trước hết, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao.
Kế đến, Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý, chúng ta cũng được đánh giá là nước có tốc độ già hóa nhanh. Vì vậy, rủi ro nếu không tận dụng tốt cơ hội trước khi bước sang giai đoạn già hoá dân số chính là tình cảnh “chưa giàu đã già”.
Bộ trưởng Dũng cho biết, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và đối tác trong nước và quốc tế đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nhằm thực hiện được mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030.
Hiện nay, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
Về hành lang pháp lý, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, Chính phủ cho biết sẽ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư trong năm 2024 để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao.
“Hội thảo hôm nay là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và cam kết của Việt Nam về sự đồng hành với các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong việc thúc đẩy, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; trong đó có ngành trí tuệ nhân tạo và bán dẫn”, ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Cao Tuấn