Trước dự báo về những khó khăn của thị trường lao động trong những năm tới, đặc biệt là năm 2024, Hà Nội sẽ đẩy mạnh đa dạng phiên giao dịch việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay giải quyết việc làm…
Vượt khó khăn, ổn định giải quyết việc làm năm 2023
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2023 là một năm rất nhiều khó khăn đối với thị trường lao động cả nước và thành phố Hà Nội, đặc biệt là trong quý 1, 2 có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa dẫn đến phải cắt giảm việc làm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 84 về phát triển thị trường lao động Thủ đô giai đoạn 2023 – 2025. Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã triển khai rất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tăng cường giải quyết việc làm.
Theo đó, Sở đã tham mưu UBND Thành phố thúc đẩy công tác giải quyết việc làm thông qua nhiều “kênh” như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm; bố trí nguồn vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác; đẩy mạnh xuất khẩu lao động; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ việc làm và rất nhiều các giải pháp khác…
Ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trong các giải pháp thúc đẩy giải quyết việc làm của Hà Nội, hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm Thành phố được đánh giá cao. Đến hết tháng 12/2023, Thành phố đã tổ chức được 262 phiên giao dịch việc làm.
“Đáng chú ý, hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm của Thành phố năm nay có một số nét mới, ví dụ như chúng tôi mở rộng các hoạt động của các phiên giao dịch việc làm đến những đối tượng yếu thế (kể cả người khuyết tật nhưng còn có khả năng lao động) được lồng ghép vào các phiên; mở rộng phiên giao dịch việc làm đến các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy; phiên giao dịch việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ…” – ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Tây Nam, năm 2023, hoạt động kết nối cung cầu lao động cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường giúp cho người lao động thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm. Cụ thể, bên cạnh các hình thức truyền thống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động thông qua những trang thông tin điện tử, mạng xã hội (zalo, facebook…)
Đặc biệt, Trung tâm đã mở trang “Người tìm việc – Việc tìm người” giúp người lao động có thể bấm vào đường link tra cứu thông tin để kết nối với doanh nghiệp và nhanh chóng tìm được việc làm. Ngoài ra, tháng 5/2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động thu hút sự tham gia của hơn 7.000 người bao gồm người lao động, học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên khi đến Ngày hội được tuyên truyền về chủ trương chính sách việc làm, kết nối với doanh nghiệp để khi tốt nghiệp nhanh tìm được việc làm phù hợp.
Tiếp tục thúc đẩy giải quyết việc làm
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, với những biện pháp hữu hiệu, đến hết tháng 12/2023, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 214.258 người lao động, đạt 132,2% kế hoạch giao trong năm.
“Đây là một điểm nhấn rất quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội của thành phố Hà Nội” – ông Nguyễn Tây Nam khẳng định. Lãnh đạo Sở LĐ’TB&XH Hà Nội cũng nhìn nhận, trong những năm tới và đặc biệt trong năm 2024, thị trường lao động vẫn còn có những khó khăn. Tuy nhiên, trên đà đạt được của năm 2023, đặc biệt là kết quả giải quyết việc làm 6 tháng cuối năm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt việc tổ chức đào tạo nghề cho người dân và hướng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động Thủ đô. Hàng năm, Sở đều tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động giúp cho nhiều người dân Thủ đô được tiếp cận với các đơn vị đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng để có được việc làm.
Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục đề nghị UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghèo nói chung và các đối tượng chính sách khác nói riêng. Đây là kênh rất quan trọng để mọi người dân đủ điều kiện được vay vốn tự tạo việc làm và giải quyết việc làm trên chính quê hương của mình.
Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Hiện nay thành phố Hà Nội có một sàn chính và 14 sàn vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã; ngoài việc tổ chức các phiên trực tiếp, Sở sẽ tổ chức các phiên online và có những phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã với đa dạng đối tượng tham gia. Một biện pháp cũng rất quan trọng nữa sẽ được Thành phố chú trọng là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung hướng tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), giúp tăng cường giải quyết việc làm cũng như giúp người lao động nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.