17/01/2023 4:03:39

Dấu ấn HCEM và bản lĩnh người “thuyền trưởng”

2022 tiếp tục là một năm thành công với Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) khi định vị thương hiệu nổi bật trên bản đồ GDNN cả nước. Luôn khiêm tốn khi cho rằng thành công đó là nỗ lực của cả tập thể, nhưng với người theo dõi hoạt động của HCEM trong nhiều năm, tôi biết bên cạnh thành tựu của tập thể không thể không nhắc đến vai trò, bản lĩnh của vị “thuyền trưởng” – Hiệu trưởng HCEM, NGƯT Đồng Văn Ngọc.

NGƯT. TS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng CĐ Cơ điện Hà Nội

Dấu ấn 2022

Chỉ một ngày trước cuộc gặp của chúng tôi, HCEM vừa khai trương Trung tâm Đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng ô tô điện và ô tô hybrid cũng như khai giảng lớp đào tạo kỹ thuật viên nghề này theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là sự kiện mà theo Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc, là một trong hai dự án nổi bật nhất trong năm, khép lại một năm 2022 đầy thành công và tự hào của HCEM. Việc triển khai hai sự kiện này nằm trong dự án mà nhà trường mới hoàn thành việc ký kết hợp tác với Tập đoàn AT Group của Nhật Bản (gồm 12 doanh nghiệp sản xuất tới 50% số lượng ô tô đang lăn bánh tại Nhật, cũng như cung cấp các dịch vụ hậu mãi, sửa chữa và bảo dưỡng kèm theo).

Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc và các chuyên gia Nhật Bản tai Lễ khai giảng lớp đào tạo KTV bảo dưỡng ô tô điện và hybrid theo tiêu chuẩn Toyota Nhật Bản

Theo dự án này, AT Group phái cử chuyên gia Nhật Bản đem theo toàn bộ chương trình, giáo trình của họ, đồng thời tài trợ cho nhà trường tất cả trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Toàn bộ sinh viên tốt nghiệp từ lớp đào tạo kéo dài 3 năm có thể được sang Nhật Bản làm việc theo diện visa đặc định, được hưởng lương, thưởng và phúc lợi như lao động bản xứ theo hợp đồng 5 năm và được gia hạn 1 năm 1 lần. Mức lương trung bình khoảng 40 triệu đồng trở lên, chưa kể thưởng và các chế độ phúc lợi. “Với 6 năm làm việc, sau khi về nước mỗi người có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ đồng cũng như có được kinh nghiệm, kỷ luật làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của người Nhật. Khi trở về nước các em chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp tại Việt Nam ‘trải thảm đỏ tuyển dụng về làm việc với những vị trí như tổ trưởng, quản lý…với mức thu nhập cao”, ông Ngọc khẳng định.

Trước dự án này, năm 2022 HCEM cũng đã ký hợp tác đào tạo nhân lực với HANWA – công ty nằm trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, chuyên về sản xuất linh kiện phụ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất máy bay dân dụng và quân sự, đang xây dựng nhà máy tại KCN Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Theo hợp đồng với HANWA, một số giảng viên của nhà trường sẽ được công ty này đào tạo, sau đó chính những giảng viên này sẽ phụ trách đào tạo nhân lực tại HCEM cung cấp cho HANWA, theo chương trình, giáo trình cũng như sự giám sát chất lượng của doanh nghiệp.

Những chiếc xe hybrid đời mới phục vụ đào tạo tai HCEM được AT Group tài trợ toàn bộ

“Điều đáng nói, cả AT Group và HANWA đều tự tìm đến với HCEM, chúng tôi không phải đi tìm doanh nghiệp. Để đi đến ký kết hợp tác, hai doanh nghiệp đều đã mất hàng năm trời khảo sát tất cả các cơ sở GDNN lớn nhất trên cả nước, cuối cùng đều chọn HCEM. Đó là điều đáng tự hào và cũng là dấu ấn khẳng định thương hiệu của HCEM trên bản đồ GDNN. Sự thành công này không phải ngẫu nhiên, chúng tôi tự tin với hệ thống cơ sở vật chất và những phòng thực hành có máy mọc hiện đại nhất Việt Nam. Đơn cử như hệ thống máy móc phục vụ đào tạo của Cơ điện Hà Nội đều là máy hiện đại nhất của Đức, giống hệt các máy mà HANWA đang sử dụng, chỉ nhỏ hơn về quy mô. Đó chính là yếu tố khiến HANWA chọn chúng tôi là đơn vị duy nhất để ký kết hợp tác”, ông Ngọc tự hào.

Với uy tín về chất lượng đào tạo, cả AT Group, HANWA hay rất nhiều doanh nghiệp lớn khác đều tự tìm đến với HCEM thay vì HCEM phải đi tìm doanh nghiệp

Theo hợp đồng với HANWA, mỗi lớp đào tạo do HCEM đảm nhiệm sẽ gồm từ 20-30 học viên và kéo dài liên tục trong nhiều năm, bởi theo quy mô công bố của doanh nghiệp này, đến năm 2025 họ sẽ cần hàng nghìn lao động.

Bản lĩnh người đứng đầu và cuộc cách mạng số chưa từng có tại HCEM

Không chỉ AT Group, HANWA, nhiều năm nay Cơ điện Hà Nội còn là đối tác hợp tác đào tạo với rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng như doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Samsung, Denso, Vinfast…và rất nhiều tên tuổi khác khó có thể liệt kê hết, nhiều lớp đào tạo theo tiêu chuẩn, giáo trình Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, đủ để khẳng định tầm vóc, thương hiệu của một cơ sở đào tạo chất lượng cao của HCEM.

Tôi vẫn nhớ trong lễ tổng kết năm học 2020, NGƯT Đồng Văn Ngọc đã từng nói: “Không phải nhà trường cứ giới thiệu trường chất lượng cao là thành trường chất lượng cao. Chất lượng cao của một nhà trường chỉ được khẳng định khi xã hội, doanh nghiệp, HSSV, các tổ chức kiểm định ghi nhận và đánh giá một cách độc lập, công tâm, khách quan”.

Như một lời khẳng định quan điểm này của Hiệu trưởng Ngọc, khi đánh giá về tư duy đào tạo nhân lực của HCEM, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Công ty TNHH SX&KD VinFast – đối tác hợp tác đào tạo song hành của HCEM đã từng nhận xét: “Trong chiến lược phát triển của mình, VinFast luôn tìm kiếm đối tác thực sự phù hợp. Quá trình này thực sự khó khăn do đa số các trường đào tạo hiện nay vẫn phát triển theo tư duy của một nhà đào tạo. Cơ sở đào tạo đáp ứng được tiêu chuẩn của VinFast phải có tư duy đổi mới, vận hành nhà trường như một doanh nghiệp. VinFast đã tìm được sự đồng cảm trong nhận thức và tư duy này ở HCEM”.

Hiện tại cũng đã gần 10 năm kể từ khi HCEM luôn cam kết bằng văn bản với tất cả người học về đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng, nếu không sẽ trả lại toàn bộ học phí. Thực tế, hiện sinh viên HCEM ra trường 100% có việc làm, được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao về chất lượng tay nghề với mặt bằng lương khởi điểm thậm chí còn đạt từ  10 triệu đồng/tháng.

Nhắc lại để độc giả không quên, 2020 cũng là năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng. Giãn cách xã hội kéo dài khiến doanh nghiệp đình trệ sản xuất, hàng loạt các cơ sở GDNN đứng trước nguy cơ giải thể do không kịp ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, với HCEM lại khác. Có lẽ chính xuất phát điểm là học sinh của HCEM, tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1995 được nhà trường giữ lại làm giảng viên, liên tục nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia rồi kinh qua các chức danh trưởng khoa, phó hiệu trưởng và hiệu trưởng (từ 10/2013 cho đến nay), NGƯT Đồng Văn Ngọc quá hiểu, gắn bó và tâm huyết với HCEM, với lĩnh vực GDNN. Với bản lĩnh của người “thuyền trưởng” đầy kinh nghiệm, trong “Nguy” thấy “Cơ”, nhận định đại dịch sẽ còn kéo dài, Hiệu trưởng Ngọc đã nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, bao gồm hệ sinh thái tuyển sinh, đào tạo trực tuyến và kết hợp nhà trường và doanh nghiệp.

Phòng học số của HCEM

Với mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, môi trường dạy và học của HSSV của HCEM trên không gian mạng trở nên quy mô chưa từng thấy. Một buổi học trực tuyến, nhà trường hoàn toàn bố trí được 100 lớp học cùng lúc. Một trong những mô hình chuyển đổi công nghệ của Cao đẳng Cơ điện Hà Nội là hệ thống E-Learning chỉ trong 3 tháng đã hoàn thiện.

Trường cũng tự xây dựng phần mềm tuyển sinh 1 cửa chạy trên nền tảng Web và App trên thiết bị di động, phát huy được lợi thế của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 trong toàn bộ công việc tư vấn – tuyển sinh – xét duyệt hồ sơ tuyển sinh – kết nối nhà trường với từng thí sinh – nhập học trực tuyến.

“Ngoài những yếu tố về đảm bảo giãn cách xã hội, tránh lây lan dịch bệnh khi ấy, chuyển đổi số chính là một là xu hướng học tập mở, linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu và cách thức tiếp cận mới của sinh viên. Chúng tôi đã quản lý và vận hành cơ sở GDNN trên nền tảng số, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng trên nền tảng số. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng cho cả giáo viên, HSSV về các kỹ năng để tiếp cận với công nghệ số… Đây thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ với tốc độ dồn dập ở Cao đẳng  Cơ điện Hà Nội”, Hiệu trưởng Ngọc nói.

2 SV của HCEM giành HCV tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021

Ngoài chuyển đổi số trong giảng dạy, quản lý, Hiệu trưởng Ngọc còn chỉ đạo đổi mới, đa dạng cả phương thức truyền thông để dễ dàng tiếp cận, thu hút đối tượng trẻ tham gia học nghề khi quảng bá về các ngành nghề đào tạo của HCEM trên tất cả nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Twitter, Youtube và Tik tok.

“Thuyền trưởng” 7 trong 1

Không chỉ trong đại dịch, “thuyền trưởng” của HCEM còn tiếp tục thể hiện sự nhanh nhạy, quyết đoán trong các quyết sách về chuyển đổi số cả trong bối cảnh nhà trường “bùng nổ” về quy mô khi chuẩn bị tổ chức sắp xếp lại 3 trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội thuộc Bộ NN-PTNT vào tháng 3/2023, đưa tổng số cơ sở giảng dạy của nhà trường từ 3 lên con số 7 (5 tại Hà Nội và 2 tại thành phố Phúc Yên).

Phản đối quan điểm của tôi khi lo ngại HCEM sẽ “nặng gánh” vì quá lớn về quy mô, Hiệu trưởng Ngọc tự tin khẳng định, kể cả gộp thêm vài chục cơ sở ông vẫn có thể điều hành một cách bình thường.

“Quan trọng là người điều hành có giải pháp quản lý, quản trị tốt. Ngay sau khi Bộ NN-PTNT có quyết định về việc sáp nhập, tôi đã lập tức chỉ đạo xây dựng phương án chuyển đổi toàn bộ quy trình làm việc của trường lên môi trường số  thông qua một công ty chuyên giải pháp phần mềm của FPT với chi phí hơn 300 triệu đồng. Đến hiện tại, 3/7 cơ sở đã hoàn thành chuyển đổi. Ngồi một chỗ, tôi có thể kiểm soát toàn bộ tiến độ công việc của từng khoa, từng cán bộ, giảng viên thông qua sự giúp việc của một Phòng quản trị nhà trường số. Việc chuyển đổi sẽ tiếp tục tại tất cả các cơ sở còn lại và sẽ rất nhanh khi chỉ cần nhân rộng phần mềm sẵn có”, ông Ngọc tự tin.

Với Hiệu trưởng Ngọc, khó nhất không phải là số lượng cơ sở, quan trọng nhất là đảm bảo toàn bộ cán bộ, giảng viên khi sáp nhập phải đoàn kết trên tinh thần làm việc hỗ trợ lẫn nhau, không để tinh thần làm việc của cán bộ, giảng viên trùng xuống. Phân cấp cho người đứng đầu các cơ sở phải báo cáo công việc, đồng thời chịu trách nhiệm trước Ban giám hiệu và Hiệu trưởng. Đưa chuyển đổi số vào không phải để giám sát nhân sự theo kiểu soi xét, mà mục đích là để minh bạch công việc, quản lý theo chất lượng công việc chứ không quản lý theo hành chính.

Sự tự tin về uy tín thương hiệu HCEM của vị NGƯT còn được thể hiện tại buổi giao lưu sau Lễ khai giảng Lớp đào tạo kỹ thuật viên bảo dưỡng ô tô điện và ô tô Hybrid, khi cam kết với tất cả hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đang có mặt tại đây về việc HCEM sẵn sàng hỗ trợ đào tạo miễn phí cho giảng viên các trường bạn theo chương trình này.

“Tôi không ngại việc đó sẽ tạo sự cạnh tranh về đào tạo, tuyển dụng của các trường bạn với HCEM về sau này. Thương hiệu của HCEM đủ sức thu hút tuyển sinh, thậm chí số lượng đăng ký tuyển sinh còn vượt quá quy mô đào tạo của nhà trường. Vì thế, không cần thiết phải co cụm lợi ích cho riêng nhà trường, tôi muốn hỗ trợ các trường bạn để lan tỏa giá trị của GDNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề để cải thiện lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đó mới là giá trị lớn nhất mà tôi đạt được khi theo đuổi sự nghiệp GDNN”, thầy Ngọc chia sẻ.

Với tất cả những thành công của năm 2022 và những năm trước đó, tháng 11 vừa qua khi HCEM kỷ niệm 50 thành lập, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất và cá nhân NGƯT Đồng Văn Ngọc cũng được vinh danh với Huân chương Độc lập Hạng Ba.

NGƯT Đồng Văn Ngọc vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba

– WorldSkills năm 2019, Trương Thế Diệu là thí sinh đoàn Việt Nam do chuyên gia của HCEM và Denso (Nhật Bản) huấn luyện lần đầu tiên giành HCB (thành tích cao nhất từ trước đến nay – nghề Phay CNN).

– Cũng tại WorldSkills năm 2019, 2 SV của HCEM đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc (đứng thứ 4 thế giới) nghề Cơ điện tử.

– Năm 2021, 2 SV của HCEM giành HCV tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử Châu Á – Thái Bình Dương.

– WorldSkills năm 2017, 1 SV của HCEM nghề Lắp đặt điện giành Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất xắc, 1 thí sinh đoàn Việt Nam do HCEM phối hợp với Denso huấn luyện nghề Điều khiển công nghiệp cũng giành Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

– WorldSkills năm 2015, HCEM cũng có 1 SV đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

– Từ năm 2004 đến nay tại các Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, năm nào cũng có thí sinh của HCEM tham dự. Đặc biệt nghề Lắp đặt điện, từ trước đến nay HCV của tất cả các SV Việt Nam giành được đều là những thí sinh do HCEM huấn luyện. Tất cả các SV của HCEM đi thi đều do chuyên gia HCEM tự huấn luyện.

Thanh Hải