HCEM đóng góp trực tiếp cho đoàn Việt Nam 2/ 8 thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, cùng 2 sinh viên đào tạo gián tiếp là thí sinh Trương Thế Diệu- Huy chương Bạc nghề phay CNC và Phạm Văn Quốc , chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề Tiện CNC.
Trở về từ Kazan – Nga với thành tích xuất sắc, đóng góp trực tiếp cho đoàn Việt Nam 2/ 8 thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, cùng 2 sinh viên đào tạo gián tiếp là thí sinh Trương Thế Diệu- Huy chương Bạc nghề phay CNC và Phạm Văn Quốc , chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề Tiện CNC. Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng HCEM chia sẻ cùng Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về những yếu tố thành công của các thí sinh, xu hướng nắm bắt sự thay đổi của công nghệ Thế giới với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Thưa ông, HCEM là trường có đóng góp lớn cho thành tích của đoàn Việt Nam tham dự World Skills lần thứ 45- 2019, vậy những yếu tố nào giúp thí sinh HCEM đạt thành tích như vậy?
T.S Đồng Văn Ngọc:Kỳ thi tay nghề Thế giới(World Skills) tại Kazan- Nga 2019 được tổ chức từ ngày 23- 26/8, cùng với 19 thí sinh của đoàn Việt Nam tham dự ở 18 nghề, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội(HCEM) có 3 thí sinh trực tiếp của trường, tham gia thi đấu nghề Cơ điện tử và Lắp đặt điện. Trong đó, HCEM đã có 2 sinh viên là Nguyễn Văn Quân và Nguyễn Văn Hưng đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nội dung đồng đội ở ngành Cơ điện tử.
Bên cạnh các thí sinh của trường, HCEM là nơi đào tạo gián tiếp cho thí sinh Trương Thế Diệu- sinh viên đã giành tấm HCB ở nghề phay CNC và thí sinh Phan Văn Quốc đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc ngành Tiện CNC. 2 sinh viên này đến từ Viện đào tạo kỹ năng nghề Denso(Công ty Denso Việt Nam) được đào tạo thực hành tại HCEM 6 tháng trước khi tham dự kỳ thi này. Tại HCEM, trải qua 6 tháng liên tục các em được thực hành trên hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ cao của nhà trường. đó chính là điều kiện lý tưởng với các thí sinh này. Bởi khi bước vào thực tế của kỳ thi, các em đều thi đúng với máy công nghệ chuẩn quốc tế của HCEM. Với thiết bị này, ở Denso, thậm chí Thái Lan chưa có và họ cũng cử tuyển thủ đến HCEM học về ngành phay CNC và tiện CNC. Có thể nói, hệ thống thiết bị máy móc đạt chuẩn quốc tế là điều kiện thuận lợi để các thí sinh tiếp cận và làm bài rất thuận lợi tại kỳ thi tay nghề.
Thí sinh Hưng và Quân cùng gia đình ngày trở về
Với các thí sinh của nhà trường ở ngành Cơ điện tử cũng đã được Công ty Sam Sung tài trợ huấn luyện tại Hàn Quốc, bởi vậy các em đều được học tập từ những chuyên gia giỏi, thành tích của 2 em Nguyễn Văn Quân và Nguyễn Văn Hưng là kết quả từ sự huấn luyện này.
Là người đồng hành cùng các thí sinh trong suốt kỳ thi, ông đánh giá như thế nào về tinh thần vượt lên “rào cản tâm lý” của các thí sinh?
T.S Đồng Văn Ngọc:Tại kỳ thi, các tuyển thủ Việt Nam rất tự tin về cả tâm lý vả thể lực, sức khỏe các em có sự chuẩn bị rất tốt để tham gia một kỳ thi lớn tầm cỡ. Dù bài thi dài, có những ngành nghề phải thi trong 3 ngày , mỗi ngày làm việc khoảng 12 tiếng liên tục với áp lực như thế, nhưng các em đều vượt qua được “sức ép tâm lý”, vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục các bài thi. Như vậy, từ trước đó các em đã được chuẩn bị rất tốt cả về thể lực và tâm lý, bởi vậy họ thực sự tự tin, cạnh tranh trước các tuyển thủ ở các nước.
Với thành tích này, ông có đánh giá như thế nào về trình độ của các tuyển thủ Việt Nam trong mối tương quan với sự cọ xát, nâng cao, mở rộng cách tiếp cận công nghệ mới từ kỳ thi này?
Để đạt được điểm này thì không đơn giản chút nào cả. Trong tổng số 63 nước gia gia thì 23 nước không có thành tích. Với Việt Nam đây là lần thứ ba liên tiếp của kỳ thi tay nghề Thế giới có huy chương, và lần này đổi màu huy chương từ huy chương đồng lên huy chương bạc . Trường Cao đẳng cơ điện 2 kỳ liên tiếp 2017- 2019, và 2 kỳ đều đạt 2 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. 2 em đạt chứng chỉ nghề xuất sắc ở nghề cơ điện tử đạt 711 điểm, chỉ thiếu 3 điểm là giành hhuy chương đồng. So với người đạt huy chương đồng, những thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề được xếp thứ 4 trên Thế giới.
Mặc dù các thí sinh của Việt Nam, phần lớn chỉ đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, duy chỉ có thí sinh Trương Thế Diệu- với tấm HCB thiết lập thành tích mới cho đoàn Việt Nam tại kỳ thi tay nghề Thế giới lần này. Mỗi “nấc thang” là một hành trình vươn lên, khẳng định hướng đi bền vững của giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng hòa nhập với sự đi lên của giáo dục nghề nghiệp các nước phát triển. Mỗi một quốc gia khi đến với kỳ thi đều có mục tiêu cao cả là giành huy chương, phần thưởng, nhưng mục tiêu cốt lõi là khẳng định kỹ năng, nguồn nhân lực trẻ ở kỹ năng đó , đến đây để học hỏi những năng lực trẻ có kỹ năng tốt.
Như vậy, nó thực sự có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời sự nghiệp với mỗi thí sinh trong mối tương quan được học hỏi, giao lưu, cọ xát… để nhận biết sứ mệnh của mình và cầu thị , không ngừng học hỏi, luôn tư duy mở để tiếp cận với những cái mới, cái thay đổi trên nền tảng cơ bản của công nghệ.
Gia đình và nhà trường đón chào các thí sinh trường HCEM đạt thành tích trở về
Đây cũng là sân chơi của các hãng công nghệ, tập đoàn lớn trên Thế giới với những công nghệ mới nhất và dự đoán nền công nghệ không ngừng thay đổi trong tương lai, thậm chí trong thời gian ngắn. Điều đó có tác động như thế nào tới việc tiếp cận để có hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với xu hướng của Thế giới?
T.S Đồng Văn Ngọc:Kỳ thi là sân chơi của các hãng công nghệ, lĩnh vực công nghệ nào lớn trên Thế giới thì được đưa đến đây, đưa vào các bài thi và trình diễn tại kỳ thi, coi đó như một “thông điệp” về sự đổi mới của công nghệ trong lĩnh vực đó. Các Tập đoàn doanh nghiệp lớn đến với kỳ thi như một mong muốn được tài trợ. Ví dụ tài trợ lớn nhất là Công ty Sam Sung, thứ nhì là các hãng công nghệ trên Thế giới như Festo của Đức với các thiết bị tự động hóa. Lĩnh vực cơ điện tử và nghề CNC mà thí sinh HCEM dự thi là hãng Festo của Đức, hãng này sản xuất ra các thiết bị tự động hóa về đào tạo và lớn nhất thế giới, hay là các hãng cho ngôi nhà thông minh , hãng KNS, hãng DMG- MORI , nó là công nghệ mới nhất của Thế giới. Đến kỳ thi này không chỉ khẳng định về kiến thức và kỹ năng, mà còn cập nhật cả công nghệmới trong thời gian rất ngắn- đặc thù của nó là như vậy. Vì thế, chúng ta phải sẵn sàng cập nhật công nghệ mới mà Thế giới đang phát triển .
Vì thế, cuộc thi chính là hội nhập để được ra sân chơi lớn nhất toàn cầu, để biết mình đang ở đâu, cần học cái gì… Từ đó, cải thiện được tầm nhìn và sứ mệnh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thành phần tham dự cuộc thi phải là người có năng lực phân tích, nhận biết phán đoán và tiếp cận nội dung đó để đưa về Việt Nam đào tạo mũi nhọn hạt nhân, để tiếp cận năng lực cao nhất của kỹ năng của nghề nghiệp Thế giới.
Xin cảm ơn ông.
Thu Thủy(Thực hiện)