Sân bay Long Thành là 1 trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, khi đi vào hoạt động cần khoảng 14.000 lao động, đa số cần có trình độ cao đẳng trở lên. Đào tạo nhân lực đáp ứng hoạt động của sân bay Long Thành là nhiệm vụ cấp bách đang được chính quyền tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan ráo riết xúc tiến.
Cần tới 4.000 kỹ thuật viên cho Trung tâm bảo dưỡng tàu bay lớn nhất Việt Nam
Sân bay quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ có 4 đường băng, 4 nhà ga hành khách với công suất khai thác lên đến 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm. Giai đoạn 1, khi đưa vào khai thác, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.. Với quy mô này, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ xếp hạng chung với những sân bay hàng đầu thế giới, là cửa ngõ giao thương kết hợp với các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, tạo động lực để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Trần Quốc Hoài, Tổng giám đốc VAECO, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động cần khoảng 400 nhân lực kỹ thuật hàng không, nhưng với chiến lược phát triển lâu dài sẽ xây dựng tại Sân bay Long Thành trung tâm bảo dưỡng tàu bay lớn nhất Việt Nam thì sẽ cần tới 4000 kỹ thuật viên bảo dưỡng.
Để xúc tiến chuẩn bị nhân lực phục vụ hoạt động của Sân bay Long Thành,Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ( huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đã ký kết hợp tác đào tạo nhân lực hàng không phục vụ sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết từ khi Đồng Nai được chọn để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nhà trường đã chủ động tìm kiếm đối tác để chuẩn bị để đào tạo nhân lực cho ngành hàng không cho con em trên địa bàn. Nhà trường đã nghiên cứu, tìm hiểu và cùng thống nhất đi đến hợp tác đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không ở các lĩnh vực: bảo dưỡng tàu bay các mức (A, B1, B2) sửa chữa cấu trúc tàu bay, nội thất tàu bay. Năm 2023, nhà trường cũng ký thỏa thuận hợp tác với Học viện hàng không Vietjet về đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng máy bay và các nghề dịch vụ mặt đất, dịch vụ hành khách, an ninh sân bay. Cùng với đó, trường cũng hợp tác với Công ty cổ phần Hàng hóa Tân Sơn Nhất – TCS, Công ty Logistics Việt Nam (Villas) đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics hàng không. Hiện đã có 85 sinh viên đang theo học và một số chuẩn bị tốt nghiệp.
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu học các ngành hàng không trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhà trường cũng phối hợp với chính quyền một số địa phương giới thiệu các ngành nghề đào tạo để góp phần cung cấp nhân lực cho các đơn vị phục vụ trong sân bay Long Thành.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2026, với công suất 25 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, sân bay quốc tế Long Thành cần hơn 13.700 nhân lực để vận hành.Trong đó, lao động trình độ đại học cần nhiều nhất với khoảng 5.000 người, chiếm 40% tổng số lao động. Số còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Ông Trần Quốc Hoài, Tổng giám đốc VAECO, thì cho biết để đáp ứng việc khai thác của sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động, nhân lực kỹ thuật hàng không sẽ cần khoảng 400 người để bảo dưỡng ngoại trường và một phần bảo dưỡng nội trường. Và dự kiến đến giai đoạn 3, trung tâm bảo dưỡng của sân bay Long Thành sẽ cần đến đội ngũ kỹ thuật khoảng 4.000 người.
Theo ông Hoài, hiện đơn vị đang bảo dưỡng cho 80 hãng bay lớn trên thế giới. Chiến lược phát triển lâu dài sẽ xây dựng Trung tâm bảo dưỡng tàu bay lớn nhất Việt Nam tại sân bay Long Thành, đây cũng là chiến lược chung của Chính Phủ.
Quy hoạch 1.000ha đất làm cơ sở đào tạo nhân lực vùng sân bay Long Thành
Theo báo cáo, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thành lập chi nhánh sân bay Long Thành để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, hệ thống, công nghệ, quy trình quy chuẩn, đặc biệt là nguồn nhân lực cho quản lý, vận hành khai thác sân bay Long Thành.
Cụ thể, các chuyến bay trên 1.000km đa số sẽ cất cánh tại sân bay Long Thành nên việc đào tạo nguồn lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa máy bay. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lao động chất lượng cao như: Công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành lý,…
Học viện Hàng không Việt Nam dành 15 tỷ học bổng thu hút sinh viên Đồng Nai
Tại hội nghị chuẩn bị đào tạo nhân lực cho Sân bay Long Thành, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin, Đồng Nai cần chuẩn bị nguồn lực cho cả vùng sân bay. Không phải chỉ 5.000ha của sân bay Long Thành mà là 30.000ha xung quanh sân bay. Không chỉ là sân bay Long Thành mà còn là một thành phố sân bay trong tương lai”,
Do đó nhiệm vụ đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai là hết sức quan trọng.
Đồng Nai còn quy hoạch 1.000ha cho các cơ sở đào tạo và mời gọi các trường đại, học viện mở cơ sở tại Đồng Nai để đào tạo những ngành nghề có chất lượng cao và nguồn nhân lực cho cả vùng quanh sân bay. Bên cạnh đó, cần liên kết đào tạo với các trường đại học chuyên ngành về hàng không ở nơi khác để mở thêm khoa, chuyên ngành về hàng không.
Theo TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai, nhu cầu lao động kỹ thuật chuyên ngành phục vụ sân bay Long Thành khá lớn nhưng cơ sở đào tạo các ngành nghề này trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp với 78 ngành, nghề, nhưng chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không. Ông Đức đề xuất, trước mắt, 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh cần rà soát ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để phối hợp làm việc với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức đào tạo tại Đồng Nai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên tham gia đào tạo với chất lượng cao, chi phí thấp.
Thực hiện chính sách thu hút sinh viên nhằm chuẩn bị nhân lực cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Học viện Hàng không Việt Nam đã dự trù kinh phí để cấp tổng cộng 15 tỷ đồng học bổng cho tân sinh viên tỉnh Đồng Nai. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2024 – 2025 cho đến năm học 2029 – 2030, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ cấp 500 suất học bổng mỗi năm, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng dành cho các tân sinh viên cư trú tại tỉnh Đồng Nai.
Tổng kinh phí học bổng được dự trù cho 6 năm là là 15 tỷ đồng. Học bổng được trao cho các ngành/chuyên ngành: Quản lý và khai thác cảng hàng không; Xây dựng và phát triển cảng hàng không; Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông hàng không; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật hàng không; Quản lý hoạt động bay.
Năm 2024, Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tuyển hơn 3.500 chỉ tiêu đối với bậc đại học, 300 chỉ tiêu bậc cao đẳng và hàng nghìn chỉ tiêu nhân viên hàng không. Học viện hiện đang đào tạo 2 ngành sau đại học, 22 chuyên ngành trình độ đại học chính quy, 4 ngành trình độ cao đẳng.
Hạnh Dung