Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ tôn vinh tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua, các gương mặt điển hình tiên tiến tiêu biểu trong 5 năm qua.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra trong 2 ngày (9-10/12), sẽ tôn vinh các tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua.
Trong danh sách anh hùng lao động giai đoạn 2016-2020, có thêm tên nhiều doanh nghiệp, doanh nhân. Đó là Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình). Đó là Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH (Nghệ An). Đó là Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân (TP.HCM)…
Đó là Anh hùng Lao động – Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức (Vĩnh Phúc), Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng (TP. Hải Phòng), Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex (TP.HCM) hay Công ty cổ phần Chứng khoán SSI…
Cho dù hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, có quy mô lớn nhỏ khác nhau, nhưng điểm chung của các doanh nghiệp, doanh nhân anh hùng này là sự cống hiến, là trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển của đất nước.
Đất nước ghi nhận những đóng góp của họ.
Nhưng cũng phải thấy rằng, những anh hùng lao động được vinh danh hôm nay là đại diện của một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang lớn mạnh, đang góp phần ngày càng quan trọng, không chỉ tạo nên diện mạo mới, mà còn thúc đẩy sự phát triển theo kịp thời đại của kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng khởi đầu mọi thành quả này không phải là để được tôn vinh.
Có thể thấy một anh hùng Trần Mạnh Báo ở ngoài ruộng nhiều hơn trong văn phòng, trăn trở với các loại giống lúa, giống ngô “made in Vietnam”. Có thể thấy một anh hùng Thái Hương kiên định với cuộc cách mạng về sữa cho người Việt, hay một “nữ hoàng hột vịt” Ba Huân làm thay đổi cuộc sống của những người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Ngay vào thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục làm đứt gãy thêm các chuỗi giá trị, khuynh đảo cuộc sống và kinh tế toàn cầu, thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng dương.
Trong kết quả đó, công lao lớn thuộc về nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, nhưng không thể không ghi nhận nỗ lực vô cùng lớn của cộng đồng kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp vẫn rất nỗ lực nhằm bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tìm kiếm cơ hội, thị trường mới… ngay cả khi không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Nhà nước…
Cũng trong chính lúc này, giới doanh nhân Việt Nam đau đáu về các mô hình phát triển, về tái cấu trúc và cả về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam đang dịch chuyển theo mô hình phát triển liên kết, bền vững, bao trùm, thuận thiên, gắn kết giữa công nghệ và truyền thống…, bám theo những định hướng, chiến lược phát triển của đất nước… Tất nhiên, trong sự dịch chuyển đó cũng có doanh nghiệp, doanh nhân không thành công, trở thành những viên gạch lát đường, để lại những bài học kinh nghiệm xương máu…
Trong rất nhiều chia sẻ của các doanh nhân, có thể thấy, mong muốn nhìn thấy cuộc sống an bình của những người lao động trong doanh nghiệp, được nhìn thấy thương hiệu Việt, sản phẩm Việt ghi dấu trên bản đồ kinh doanh thế giới…
Và trên hết, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn có mặt trong hành trình đi đến hạnh phúc, thịnh vượng của đất nước.
Đất nước tôn vinh họ – những anh hùng lao động!
Theo baodautu.vn